image banner
Phan Thiết từng bước tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Đề án 06

Ngày 31/01/2024, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch số 411 về việc triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (viết tắt là Đề án 06) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2024. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Tổ Công tác Đề án 06 của tỉnh; xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án 06 trong việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, TP Phan Thiết đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa, phân công, giao trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại trên thực tế.

Tổ công tác Đề án 06, UBND TP Phan Thiết, cho biết: Căn cứ Kế hoạch số 1300 ngày 06/3/2024 và Công văn số 1586 ngày 18/3/2024 của UBND thành phố Phan Thiết về việc tăng cường các biện pháp triển khai Đề án 06 trên địa bàn thành phố; Tổ công tác Đề án 06 thành phố và Công an thành phố - Cơ quan thường trực Tổ công tác Đề án 06 đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thực hiện đảm bảo dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống”; tiếp tục chỉ đạo Tổ công tác Đề án phường, xã tiếp tục rà soát làm sạch dữ liệu, triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 tại cấp xã; cập nhật các phần mềm hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD phục vụ sáp nhập địa giới hành chính và cài đặt phần mềm giám sát trên các máy tính trạm. Bên cạnh chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông, Công an Phan Thiết đã ban hành văn bản đôn đốc, giao nhiệm vụ hoàn thành dứt điểm các chỉ tiêu làm sạch dữ liệu dân cư, quản lý cư trú và phục vụ triển khai Luật Căn cước 2023; đồng thời, Lãnh đạo Công an thành phố đã ký Bản cam kết trước Giám đốc Công an tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu làm sạch dữ liệu trước ngày 20/4/2024; Kế hoạch thực hiện lưu trữ hồ sơ cư trú, phiếu thu thập thông tin dân cư - DC01, phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư - DC02. Hiện nay, cùng với việc tiếp tục triển khai thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt năm 2024 cho các đối tượng thụ hưởng ngân sách nhà nước, Phan Thiết đã triển khai thực hiện chỉ tiêu đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công trực tuyến qua đó đã cấp tài khoản dịch vụ công cho 990 cơ sở lưu trú để thực hiện thông báo lưu trú trực tuyến; đã triển khai đăng ký mô hình quản lý lưu trú ASM tại 18/18 phường, xã đối với 188 cơ sở đã thực hiện thông báo lưu trú qua ASM.

Tính đến nay, Trung tâm Y tế thành phố đã ký xác nhận Hộ chiếu vắc xin 171.563 trường hợp, đạt tỷ lệ 100%; đã làm sạch dữ liệu tiêm chủng 34.590, đạt tỷ lệ 50,1% và số người tham gia Bảo hiểm y tế khám chữa bệnh bằng Căn cước công dân gắn chíp là: 39.323 lượt trường hợp. Công an thành phố cũng đã chỉ đạo Công an các phường, xã phối hợp với các ban, ngành địa phương, cập nhật 104 trường hợp thuộc diện hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 609 trường hợp người có công; 2.053 trường hợp hội viên Hội Nông dân; 2.770 trường hợp hội viên Hội Người cao tuổi; 2.019 trường hợp Hội Cựu chiến binh; Hội Chữ thập đỏ 3.582 trường hợp; cập nhật, bổ sung mã định danh của chủ phương tiện: 2.521 trường hợp; 89.873 trường hợp thông tin người lao động. Song song với việc tiếp tục triển khai tuyên truyền, vận động Nhân dân tạo tài khoản định danh điện tử kết hợp với việc cấp Căn cước công dân. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng, Công an các phường, xã tập trung nguồn nhân lực, trang thiết bị máy móc đẩy nhanh tiến độ cấp CCCD trên địa bàn, tiến hành đối chiếu, xác minh thông tin công dân qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua tàng thư hồ sơ cư trú, tàng thư CCCD đảm bảo hồ sơ đã thu nhận đầy đủ, chính xác, đúng quy định. Chỉ tính riêng từ ngày 08/4/2024 đến ngày 06/5/2024, đã thu nhận 1.297 hồ sơ cấp CCCD - trong đó, cấp mới 922 trường hợp, cấp đổi 188 trường hợp, cấp lại 187 trường hợp và cấp tài khoản định danh điện tử kèm hồ sơ CCCD cho 171 trường hợp và cấp tài khoản định danh điện tử cho 79 trường hợp đã có CCCD. Đi đôi với kết quả đạt được ở nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội kể trên, việc triển khai thực hiện 11/25 dịch vụ công thiết yếu của lực lượng công an tính riêng từ ngày 08/4/2024 đến ngày 06/5/2024 đã thực hiện đăng ký thường trú 1.049 hồ sơ; Đăng ký tạm trú 109 hồ sơ; Thông báo lưu trú 10.447 hồ sơ; xác nhận Chứng minh nhân dân 9 số 01 hồ sơ; đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy 338 hồ sơ và nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ 431 hồ sơ.

Tuy nhiên trên thực tế, dù đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện Đề án 06, nhưng việc số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính và tái sử dụng số hóa tài liệu tại các cơ quan, đơn vị, địa phương lại gặp không ít khó khăn. Đáng quan tâm, tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến còn thấp, người dân đã quen với việc tới trụ sở để nộp hồ sơ trực tiếp. Chị Lương Thị Tiếp – Công chức văn phòng thống kê xã Phong Nẫm, cho biết: “Đa phần người dân đến bộ phận một cửa nộp hồ sơ trực tiếp, vì nhiều người có suy nghĩ nộp trực tiếp sẽ tin tưởng hơn vì họ thấy được quá trình hồ sơ của họ được làm như thế nào. Với lại, người dân ở đây cũng ít xài điện thoại thông minh để thực hiện các thao tác theo yêu cầu trên phần mềm trực tuyến, họ chỉ quen sử dụng để nghe gọi”.  Đồng tình với đánh giá này, Chị Huỳnh Thị Thu Trang – Cán bộ tư pháp – hộ tịch xã Tiến Lợi, tiếp lời: “Về Tiếp nhận, giải quyết yêu cầu liên thông trực tuyến 02 nhóm thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa thường trú hưởng chế độ tử tuất, hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí trên thực tế người dân đến nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã rất ít, chủ yếu thông qua Tổ mô hình “Công dân không viết” và công chức Văn phòng – Thống kê (phụ trách Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả) hướng dẫn người dân thực hiện nộp hồ sơ trên cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng Dịch vụ công Bình Thuận để đăng ký liên thông trực tuyến 02 nhóm thủ tục trên. Và nhiều người dân không có nhu cầu cấp giấy khai sinh điện tử, khai tử điện tử. Đối với việc nộp hồ sơ bằng tài khoản Vneid cá nhân của công dân, gặp không ít khó khăn, đơn cử như việc họ quên mật khẩu, không có điện thoại thông minh hoặc chưa cập nhật định danh mức độ 2, có khi thì không biết Vneid là gì… nên rất tốn thời gian và khó cho công chức tiếp nhận cũng như Tổ mô hình “Công dân không viết” hướng dẫn. Trong khi đó hiện nay, hầu hết nộp hồ sơ trực tuyến phải sử dụng tài khoản Vneid của công dân để thực hiện nộp hồ sơ trên cổng Dịch vụ công quốc gia”.

anh tin bai

Những khó khăn kể trên đã và đang đặt ra không ít trở ngại cho chính các địa phương trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo thẩm quyền, khi dữ liệu trên hệ thống không được cập nhật kịp thời, làm trễ hẹn hồ sơ. Hay như việc số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính đi đôi với việc khai thác thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID trong giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự cho người dân, doanh nghiệp tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của TP và phường xã có lúc, có nơi còn chậm do hệ thống chưa liên thông giữa các ban, ngành. Chị Lương Thị Tiếp – Công chức văn phòng thống kê xã Phong Nẫm nêu cụ thể: “Hiện nay trên hệ thống phần mềm trực tuyến, nhiều thủ tục hồ sơ thuộc diện liên thông của xã dù đã được giải quyết và trả kết quả trực tiếp cho người dân nhưng khi cập nhật vào hệ thống lại bị báo đang giải quyết hoặc chờ giải quyết. Kết quả hệ thống báo những hồ sơ này đều bị trễ hẹn trên hệ thống, ảnh hưởng đến đánh giá kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại địa phương”. “Bên cạnh đó có những thủ tục liên thông khi gửi hồ sơ lên phần mềm lại báo đang xử lý dù đã quá thời hạn giải quyết trên hệ thống kiểu như bị treo trên hệ thống không cập nhật được” - Chị Huỳnh Thị Thu Trang – Công chức tư pháp – hộ tịch xã Tiến Lợi, tiếp lời.

Trước thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án 06 trong thời gian tới, UBND TP Phan Thiết – thông qua Tổ Đề án 06 đã đề ra nhiều giải pháp để tập trung chỉ đạo, thực hiện. Trọng tâm là tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về sự cần thiết, tính cấp thiết và lợi ích mang lại từ kết quả thực hiện Đề án 06. Yêu cầu các đơn vị, địa phương và các phòng ban chuyên môn tùy vào chức năng, nhiệm vụ được phân công để có giải pháp thực hiện, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra. Trong đó, chỉ đạo Tổ công tác Đề án 06 phường, xã tăng cường công tác đăng ký, quản lý cư trú, cập nhật thông tin nhân, hộ khẩu, rà soát nhập dữ liệu di chuyển và dữ liệu lưu động của đối tượng lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thực hiện chi trả an sinh xã hội cho 100% người được hưởng đã có tài khoản và mong muốn chi trả qua tài khoản; tiếp tục rà soát, bổ sung người có nhu cầu chi trả qua tài khoản theo tình hình thực tế của địa phương; đảm bảo triển khai 100% đăng ký mô hình quản lý lưu trú ASM đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú và cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố. Cơ quan thường trực Công an thành phố tiếp tục chỉ đạo lực lượng Công an cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”, triển khai kế hoạch cấp CCCD cho người đủ điều kiện theo quy định, gắn với cấp tài khoản định danh điện tử; trước mắt tập trung ưu tiên cấp CCCD cho số công dân trong độ tuổi dự các kỳ thi tốt nghiệp THCS, THPT năm 2024.

 

Hồng Tú

 

 

Hồng Tú
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập