Giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại TP. Phan Thiết
Sáng ngày 14/02/2023,
ông Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận
chủ trì buổi giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết
số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”
tại TP. Phan Thiết. Tham dự còn có các thành viên Đoàn giám sát; về phía TP. Phan Thiết có ông Nguyễn Nam Long- Phó Chủ tịch UBND thành
phố, cùng lãnh
đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan và đại diện 3 trường tiểu học, trung học
cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo
của UBND TP. Phan Thiết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số
51 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, TP. Phan Thiết
đã thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo, các quy định về đánh giá học sinh theo
Thông tư số 22 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cùng với đó, bố trí số
lượng giáo viên đủ để dạy đủ các môn ở lớp 1, 2, 3, 6, 7 theo quy định. Giáo
viên có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có khả năng tiếp cận chương
trình, phương pháp dạy học tốt theo sách giáo khoa mới. Công tác bồi dưỡng đội
ngũ được quan tâm, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giảng dạy khá
hiệu quả… Cùng với đó, việc thực hiện lựa chọn SGK theo đúng quy trình, hướng
dẫn của Sở GDĐT.
Tuy số
lượng giáo viên tương đối đủ so với nhu cầu, nhưng về cơ cấu chưa đồng đều ở
các bộ môn như: Khoa học tự nhiên, Hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp, Giáo
dục địa phương. Dự báo nhu cầu sẽ thiếu giáo viên nếu không có kế hoạch đào
tạo, tuyển dụng bổ sung. Mặt khác, thiếu kinh phí đầu tư về cơ sở vật chất, mua
sắm trang thiết bị phục vụ dạy học chưa đầy đủ như: mua ti vi, bổ sung máy vi
tính, cũng như việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm gặp khó khăn…
Tại buổi
giám sát, các đại biểu đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn cũng như đề ra
những giải pháp để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ
thông hiệu quả hơn. Theo đó, đề xuất, kiến nghị Quốc hội lấy ý kiến rộng rãi
trong việc thực hiện các Thông tư về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên. Từ đó, chỉ
đạo các cấp, các ngành thực hiện đảm bảo quyền lợi chung của giáo viên về bổ
nhiệm và xếp lương giáo viên, giúp giáo viên an tâm công tác. Chỉ đạo chặt chẽ
trong việc biên soạn sách giáo khoa, thẩm định sách, thẩm định giá sách đúng
theo quy định của pháp luật và thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, cần đầu tư nguồn lực cho công tác bảo đảm chất lượng giáo dục phổ
thông (con người, tài chính, cơ sở vật chất,...). Ban hành các chính sách đặc
thù cho vùng khó khăn, trong đó ưu tiên về đầu tư kinh phí để thực hiện đổi mới
chương trình, sách giáo khoa mới.
Kết luận
tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn
vị tỉnh Bình Thuận cho biết: Phan Thiết là 1 trong 2 địa phương trong tỉnh được
chọn để giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51
của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Qua
giám sát, các cơ quan, đơn vị liên quan đã nêu được những thuận lợi, khó khăn
trong triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ
thông. Đặc biệt là sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các trường, giáo viên, phụ
huynh và học sinh để chương trình đạt được những kết quả bước đầu. Phó Trưởng
đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận mong muốn ngành giáo dục, các
ngành, các cấp của TP. Phan Thiết cùng chung tay nỗ lực khắc phục những khó
khăn để triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo
khoa giáo dục phổ thông trong thời gian tới. Riêng những kiến nghị, đề xuất sẽ
được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận, tổng hợp, nghiên cứu làm việc với
các cơ quan liên quan và báo cáo Quốc hội trong những kỳ họp sắp tới.
Thanh Minh