Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại TP. Phan
Thiết đang phát huy hiệu quả khi vừa chú trọng nâng cấp các sản phẩm đã được chứng
nhận, vừa đẩy mạnh phát triển sản phẩm tiềm năng mang dấu ấn địa phương.
Triển khai từ năm 2019, Chương trình OCOP đã được TP.
Phan Thiết đặc biệt quan tâm. Mục tiêu của chương trình mà thành phố đề ra là
phát huy thế mạnh của sản phẩm truyền thống đặc trưng, có lợi thế của địa
phương trên cơ sở chuyển đổi các nhóm hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tự
phát trước đây sang hình thức liên kết sản xuất. Đối với các cơ sở lớn có
thương hiệu tạo điều kiện tiếp cận ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất.
Từ đó, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa
học công nghệ vào sản xuất, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng về mẫu mã, giá cả
và chất lượng sản phẩm.
Sản phẩm OCOP nước mắm Phan Thiết trưng bày tại các hội
chợ
Qua 5 năm thực hiện đến nay toàn thành phố đã có 35 sản
phẩm OCOP gồm 12 sản phẩm 3 sao, 21 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm xếp hạng 5
sao. Trong đó, sản phẩm nước mắm truyền thống của Phan Thiết chiếm ưu thế đạt
OCOP từ 3 sao đến 4 sao. Cụ thể, hiện đã có 3 sản phẩm nước mắm đạt 3 sao, 7 sản
phẩm đạt 4 sao được công nhận. Ngoài ra, có 3 sản phẩm nước mắm đã được thành
phố xếp hạng 4 sao và đang chờ phân hạng của Hội đồng OCOP cấp tỉnh trong năm
2024.
Các sản phẩm nước mắm đạt OCOP của Phan Thiết được chắt
lọc từ cá cơm tươi ngon và muối biển tinh sạch, ủ chượp tự nhiên qua từng năm
tháng. Không hương liệu, không chất bảo quản, nước mắm Phan Thiết lưu giữ trọn
vẹn vị mặn mòi của biển cả và sự cần mẫn của người làm nghề. Cũng theo chia sẻ
của ông Chơn, sau khi chứng nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh và các
ngành chức năng, các sản phẩm OCOP đã được lựa chọn tham gia trưng bày tại các
hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài khu vực. Đồng thời, các sản phẩm được
dán tem điện tử thông minh, truy xuất nguồn gốc nhờ vậy mà được nhiều người biết
đến, lượng tiêu thụ ngày càng tăng, ổn định. Nhiều sản phẩm đạt đủ tiêu chuẩn
vào các siêu thị lớn trong nước và một số sản phẩm đã xuất khẩu ra nước ngoài
như: Công ty TNHH Seagull, Công ty CP CB&XK nước mắm Phan Thiết – Mũi Né,
Công ty TNHH SX nước mắm Thuận Hưng, Công ty TNHH nước mắm Bà Hai.
Để phát huy nội lực, gia tăng giá trị cho các sản phẩm
thế mạnh, thời gian tới TP.Phan Thiết tiếp tục nâng cấp các sản phẩm đã được chứng
nhận. Những sản phẩm đạt chuẩn 3 sao sẽ vận động chủ thể tiếp tục hoàn thiện và
nâng cao chất lượng để lên 4 sao. Đối với các sản phẩm 4 sao, thành phố hướng tới
chuẩn mực quốc tế với các chứng nhận như GlobalGAP, Organic, HACCP, ISO... Cùng
với đó, hỗ trợ để phát triển thành sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tham gia lựa chọn
sản phẩm OCOP quốc gia.
Trong việc phát triển sản phẩm OCOP, TP. Phan Thiết sẽ
tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP từ tiềm năng và lợi thế của địa phương. Trong
đó, ưu tiên các sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương, đảm bảo quy trình sản
xuất, sử dụng lao động địa phương, gia tăng giá trị sản phẩm mà không ảnh hưởng
xấu đến môi trường. Ngoài ra, TP. Phan Thiết cũng sẽ đẩy mạnh công tác thông
tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân, cộng đồng địa
phương và doanh nghiệp về mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP. Từ đó, thúc
đẩy sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và động lực cho nền kinh tế
địa phương phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế. Đồng thời, tổ chức quảng
bá, XTTM, tìm kiếm đối tác giới thiệu và gắn kết tiêu thụ sản phẩm OCOP của
thành phố. Hình thành các điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn để người dân địa
phương và khách du lịch đến tham quan, tiêu thụ.
Thanh Minh