Cách mạng Tháng Tám ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm soi sáng sự nghiệp Cách mạng nước ta
Chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945
– 19/8/2024);
Thời gian đã lùi xa nhưng tầm vóc ý nghĩa thắng lợi, bài
học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị và ngày
càng tỏa sáng, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Cách mạng Tháng Tám
thành công là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử của dân tộc ta,
một dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng
nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đánh giá ý nghĩa lịch sử của sự kiện
này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt
Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác
cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các
dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng
thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc".
Sự thành công của
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự chuẩn bị trực tiếp, lâu dài, chu đáo về lực
lượng cách mạng để nắm lấy khi thời cơ đến và nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa
giành chính quyền dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam.
Thật vậy, qua 15 năm
lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã xây dựng và ngày càng hoàn thiện về đường lối
cách mạng đúng đắn, từng bước vận động, giáo dục và tổ chức tập hợp quần chúng,
qua ba cao trào cách mạng lớn (1930-1931, 1936-1939, 1939-1945). Các cao trào
này như là những cuộc tổng diễn tập, chuẩn bị lực lượng để Cách mạng Tháng Tám
nổ ra mau chóng thành công.
Chỉ trong
vòng 15 ngày cuối tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí
Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành thắng
lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội)
lịnh sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh
thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố
trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đó, ngày 2-9 là Ngày Quốc khánh của nước ta.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước ta từ một xứ
thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển
theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người
làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. 79 năm qua, kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám
năm 1945 thành công đến nay, cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn,
nhiều bước ngoặt và vượt qua nhiều thử thách lớn, giành thắng lợi vĩ đại, đưa
đất nước phát triển. Quy mô, trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước
được nâng lên. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy
tín quốc tế như ngày nay. Đây là động lực, nguồn lực quan trọng để đất nước ta
vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng chỉ rõ những
khó khăn, thách thức như: kinh tế - xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với
tiềm năng, lợi thế của đất nước. Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn tồn tại, có
mặt gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Việc
phát triển văn hóa, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã
hội, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường;
việc phát triển đồng bộ các vùng, miền, địa phương trên cơ sở phát huy tiềm
năng, lợi thế của từng vùng vẫn còn nhiều hạn chế. Tham nhũng, lãng phí, quan
liêu, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến",
"tự chuyển hóa" trong nội bộ, mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức
tạp. Xu hướng già hóa dân số, đô thị hóa tăng nhanh; biến đổi khí hậu, thiên
tai, dịch bệnh ảnh hưởng ngày càng lớn đến sự phát triển đất nước. Các thế lực
thù địch tiếp tục chống phá Đảng, Nhà nước, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn
vẹn lãnh thổ, biển đảo của đất nước. Bên cạnh đó là tình hình chính trị, an
ninh, kinh tế thế giới có những biến động lớn, nhanh chóng, phức tạp, khó dự
báo. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra
phức tạp, quyết liệt; chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy, cường
quyền nước lớn trong quan hệ quốc tế gia tăng…Trong bối cảnh đó, đất nước đứng
trước nhiều thời cơ, thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhiều vấn
đề mới đặt ra đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải giải quyết, có những quyết định đúng
đắn, mạnh mẽ để phát triển đất nước ta nhanh và bền vững.
Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, chúng ta cần tiếp
tục vận dụng và phát huy những bài học kinh nghiệm đã được đúc rút từ thắng lợi
của Cách mạng Tháng Tám và thực tiễn của cách mạng Việt Nam trong đấu tranh
giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là nắm vững ngọn cờ độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện
tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm
vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã
hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân
và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ
hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân
dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham
nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của
đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng.
Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết toàn Đảng,
toàn dân, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Đó là truyền thống quý báu và
là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức
mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Trong bất cứ hoàn cảnh
nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ, nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế,
phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền
thống với yếu tố hiện đại.
Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu
quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng không có lợi ích nào khác
ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đảng phải nắm vững, vận dụng
sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh,
không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và
năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra.
Mọi đường lối, chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật
khách quan. Phải phòng và chống những nguy cơ lớn, nhất là căn bệnh quan liêu
và sự thoái hoá, biến chất của cán bộ, đảng viên.
Kỷ
niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh ngày 02-9, là điều kiện để
chúng ta ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, quân đội, thấy rõ giá trị to
lớn và tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám, vận dụng và phát triển những
bài học kinh nghiệm quý giá của Cách mạng Tháng Tám, của công cuộc xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc 79 năm qua vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đai hóa
đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh./.
Mai Thanh Văn
Ban CHQS thành phố Phan Thiết