Khu di tích Dục Thanh, Bảo tàng Hồ Chí Minh – điểm đến của nhiều du khách nhân dịp 133 năm kỉ niệm sinh nhật Người

    “Tháp Mười đẹp nhất bông sen – Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” – 2 câu thơ của nhà thơ Bảo Định Giang đã đi vào lòng người như lời ca ca ngợi Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, người cha, người thầy của biết bao thế hệ người dân Việt Nam. Tưởng nhớ người, mỗi dịp tháng 5 về, trên khắp mọi miền Tổ Quốc đều có những hoạt động ý nghĩa để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, tại Khu di tích Dục Thanh, Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh Bình Thuận, bên cạnh cấp ủy, chính quyền các địa phương và Nhân dân tỉnh nhà, tháng 5 này, đông đảo người dân khắp cả nước và du khách thập phương đã đến viếng thăm và tìm hiểu Bảo tàng Hồ Chí Minh – Khu Di tích Trường Dục Thanh, nơi Bác Hồ dừng chân dạy học trước lúc lên tàu ra đi tìm đường cứu nước.

Đúng vào dịp kỉ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già kình yêu của cả dân tộc, bà Vũ Thị Hồng, 67 tuổi ở phường Tam Hoà, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai đã cùng với gần 100 cán bộ, hội viên và thân nhân Hội người cao tuổi 2 phường Tam Hoà và Tân Tiến của TP Biên Hoà đã kịp có mặt tại Khu di tích Dục Thanh, Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh Bình Thuận. Đây cũng là điểm đến đầu tiên của đoàn trong hành trình khám phá vùng đất và người của Phan Thiết, Bình Thuận nói riêng. Trong đó, những di tích lịch sử, di tích văn hoá là những địa chỉ mà bà Hồng cùng các thành viên trong đoàn ưu tiên khám phá. Niềm vui xen lẫn sự xúc động khi được mắt thấy tai nghe, bà Hồng như được thấy Bác Hồ thông qua các hình ảnh tư liệu, hiện vật của Người. Kính trọng và nhớ ơn Bác, Bà Hồng càng thêm thấu hiểu được sự hy sinh, vượt lên gian khó và nhất là sự giản dị, đơn sơ trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chính Ngôi trường Dục Thanh – nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã dừng chân dạy học vào tháng 9 năm 1910, trước khi vào Sài Gòn vượt Đại dương bôn ba tìm đường cứu dân, cứu nước. “Những tư liệu ấy không chỉ gợi nhớ kí ức trong bà Hồng nói riêng mà đó còn là nội dung để báo giáo dục cho con cháu mình” - Bà Vũ Thị Hồng, nói thêm.

Bà Nguyễn thị Thu Nga – Trưởng phòng Nghiệp vụ Thuyết minh – Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận, cho biết: Mỗi dịp tháng 5 về, bên cạnh các hoạt động dâng hương, báo công viếng Bác của các cấp lãnh đạo và đoàn thể chính trị tại địa phương, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận tiếp đón rất đông du khách về thăm Khu di tích Dục Thanh và tham quan Bảo tàng. Theo thống kê, tính từ ngày 01/01 đến sáng ngày 19/5/2023, Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh Bình Thuận đã phục vụ 1.273 đoàn với 69.290 lượt người. Trong đó, du khách nước ngoài là 78 đoàn với 144 lượt người đến từ các nước, như: Ba Lan, Ấn Độ,  Pakistan, Đan Mạch, Anh, Úc, Đức, Philippines, Nga, Singapore. Còn trong nước có  1.195 đoàn với 69.146 lượt người. Đồng thời, cũng trong thời gian này, Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh Bình Thuận còn phục vụ 124 lễ viếng, 10 lễ báo công, 09 cuộc sinh hoạt chuyên đề, 01 chương giao lưu chuyên đề của các tổ, đoàn thể và cơ quan, ban ngành trong tỉnh. Nói thêm về một số hoạt động cụ thể trong dịp kỉ niệm 133 năm sinh nhật Bác, bà Nguyễn thị Thu Nga, cho biết: “Dịp kỉ niệm 133 năm ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu 19/5, Bảo tàng Hồ Chi Minh Bình Thuận, Khu Di tích Dục Thanh đón rất nhiều đoàn khách các cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh đến tham quan, dâng hương,báo công viếng Bác, tổ chức các hoạt động. Cũng trong dịp này đơn vị còn phối hợp với Tỉnh đoàn Bình Thuận tổ chức lễ Phát động “Hành trình thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” năm 2023; phối hợp với Công an tỉnh tổ chức Lễ báo công dâng Bác, phối hợp với Cụm thi đua số 5 công đoàn viên chức tỉnh tổ chức giao lưu chuyên đề: “Thăm trường xưa nhớ Bác”. Bên cạnh đó đơn vị trưng bày bộ ảnh triển lãm chuyên đề: với hơn 120 hình ảnh giới thiệu về: “Nét đẹp đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; “Kỉ vật Bác Hồ”trưng bày ảnh đẹp, ảnh thời sự, tư liệu về Bình Thuận” tại Di tích để phục vụ nhân dân và du khách tham quan”.

 

Trưởng phòng Nghiệp vụ Thuyết minh – Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận, cũng cho biết: Nhiều du khách, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên, cựu chiến binh đã rất xúc động khi được đội ngũ thuyết minh viên của đơn vị giới thiệu về quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là thời gian dạy học của thầy giáo Nguyễn Tất Thành tại Trường Dục Thanh cách đây 113 năm về trước. Bởi với Người - sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, Nguyễn Tất Thành đã sớm thấu hiểu nỗi thống khổ của đồng bào khi bị thực dân Pháp xâm lược nên Người luôn nung nấu ý chí quyết tâm cháy bỏng đó là: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.

         Bác Hồ đã đi xa, nhưng trong lòng mỗi một người dân Việt Nam nói riêng, Người vẫn còn sống mãi. Bởi những thành tựu vĩ đại của Đảng ta trong 93 năm qua, luôn gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh. Suốt cả cuộc đời của Người đã hy sinh cho cách mạng, vì độc lập tự do của Tổ Quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì những mục tiêu cao cả của loài người tiến bộ. Người đã để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh; là phong cách, đạo đức thanh cao của một danh nhân văn hóa thế giới. Chính tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người là tiêu biểu cho trí tuệ và lòng trung thành vô hạn, cho tinh thần đoàn kết và sức mạnh của một Đảng Cộng sản chân chính, là biểu trưng khí chất anh hùng của một dân tộc anh hùng. Người đã được Tổ chức giáo dục khoa học và văn hóa của Liên Hợp Quốc – UNECO vinh danh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới” vào năm 1990. Và cuộc đời và sự ngiệp cao quý của Bác là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.

Hồng Tú

 

Hồng Tú
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập