image banner
Vạn Nam Nghĩa- nét văn hóa truyền thống của Phố biển Phan Thiết

Phan Thiết, vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng những điều kiện đặc biệt về khí hậu, thổ nhưỡng để tạo nền tảng cho sự phát triển của ngành du lịch. Và không chỉ có các yếu tố tự nhiên mà Phan Thiết còn sở hữu các công trình văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của ngư dân địa phương từ bao đời nay. Là nơi những người dân luôn dành một tình cảm trìu mến khi nghĩ về. Vạn Nam Nghĩa, một trong những nơi linh thiêng đối với ngư dân miền biển là một trong những công trình như thế.

Vạn Nam Nghĩa tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Cừ- khu phố 5- phường Dức Nghĩa cũ (nay là phường Lạc Đạo), với diện tích hơn 800 mét vuông. Vạn được khởi dựng vào đời vua Thành Thái năm thứ 12 (1900) để thờ thần Nam Hải (cá Voi) của cư dân vùng biển. Ngoài ra, di tích còn thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền có công trong việc quy tụ dân cư, khẩn hoang đất đai, lập làng, dựng Vạn ngày trước. Thuở sơ khai, vạn Nam Nghĩa được tạo dựng đơn sơ bằng mái tranh vách đất để có nơi thờ phụng thần Nam Hải và sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, cầu mong cho cuộc sống nơi vùng đất mới được an cư, lạc nghiệp. Trải qua thời gian, đời sống kinh tế của người dân đi vào ổn định và ngày càng sung túc hơn, ngư dân trong Vạn đã đồng tâm hiệp lực góp công sức và tiền của để xây dựng lại ngôi Vạn bề thế, khang trang hơn theo lối kiến trúc dân gian truyền thống. Hiện nay, vạn Nam Nghĩa vẫn còn bảo lưu các giá trị như thuở mới tạo lập ban đầu, từ kiểu dáng, kết cấu, vật liệu kiến trúc, chức năng thờ phụng và tổ chức các lễ nghi, lễ hội theo tập tục truyền thống. Bên cạnh đó, di tích lưu giữ nhiều hiện vật quý gắn liền với quá trình tạo lập và tồn tại của Vạn, trong đó tiêu biểu là các bao lam, khám thờ, hương án, đại hồng chung, chiêng, trống, chân đèn, lư hương; đặc biệt là các tư liệu Hán Nôm như: xà cò, câu đối, hoành phi, bài vị… chứa đựng các giá trị về lịch sử, văn hóa, về vùng đất và con người nơi đây.

Hàng năm tại vạn Nam Nghĩa diễn ra 02 kỳ tế lễ chính: Lễ hội Cầu ngư chính mùa được tổ chức vào ngày 19 và 20 tháng 6 Âm lịch và Lễ hội Cầu ngư mãn mùa vào ngày 19 và 20 tháng 8 Âm lịch. Lễ hội diễn ra hàng năm tại vạn Nam Nghĩa thể hiện sự biết ơn đối với thần Nam Hải, tri ân công đức các bậc tiền nhân có công khai mở đất đai, lập Vạn ngày trước; đồng thời bày tỏ những ước mong, khát vọng của cộng đồng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Việc phụng thờ và tổ chức Lễ hội Cầu ngư hàng năm tại vạn Nam Nghĩa góp phần lưu giữ các giá trị văn hóa với nhiều nghi thức và nghệ thuật diễn xướng dân gian của cư dân vùng biển, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của ngư dân địa phương từ bao đời nay. Thông qua việc gìn giữ, thực hành các nghi lễ trong lễ hội, các thế hệ tiếp nối biết trân trọng, gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp mà ông cha ngày trước đã dày công vun đắp. Góp phần khơi dậy ý thức trách nhiệm của các thế hệ hôm nay và mai sau trong việc duy trì, phát huy giá trị di tích, phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của ngư dân địa phương.

anh tin bai

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đó; ngày 24/9/2024, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 1715 xếp hạng vạn Nam Nghĩa là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Trong buổi lễ đón nhận Quyết định và bằng di tích- văn hoá cấp tỉnh đối với Vạn Nam Nghĩa do UBND TP. Phan Thiết tổ chức vào sáng ngày 31/3/2025. Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Nam Long- PCT UBND TP. Phan Thiết; lãnh đạo Bảo tàng Bình Thuận (Sở VH-TT và DL tỉnh), Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành uỷ Phan Thiết, các cơ quan, đơn vị của thành phố và lãnh đạo Đảng uỷ- UBND phường Lạc Đạo và tập thể Ban quản lý Vạn Nam Nghĩa và người dân địa phương.

Phát buổi tại buổi lễ, đại diện Sở VH-TT-DL đề nghị UBND thành phố Phan Thiết chỉ đạo Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin và UBND phường Lạc Đạo quan tâm hướng dẫn Ban Quản lý di tích xây dựng Quy chế hoạt động. Đồng thời, tạo điều kiện để Ban Quản lý di tích thực hiện tốt chức năng quản lý, gìn giữ và phát huy giá trị của di tích trong việc giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần và tâm linh tín ngưỡng của Nhân dân địa phương, phục vụ tốt nhu cầu tham quan, chiêm bái của du khách theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

 

Thanh Minh

                                                         

 

Thanh Minh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập