Cứ mỗi độ xuân về, các Đình làng tại TP. Phan Thiết lại
tổ chức lễ tế Xuân hay còn gọi là lễ Kỳ An. Đây là một lễ hội thể hiện truyền
thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây từ bao đời của dân
tộc Việt Nam. Tại Đình làng Đức Nghĩa, trong các ngày từ 12- 14/02/2025 đã diễn
ra lễ tế Xuân, thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia.

Đã thành thông lệ, trong những ngày đầu năm, tại Đình
làng Đức Nghĩa tọa lạc tại phường Lạc Đạo thu hút rất đông người dân về tham dự
lễ tế Xuân trong niềm vui, sự gắn kết và hy vọng vào những điều tốt đẹp, may mắn
trong năm mới. Lễ tế Xuân tại đình Đức Nghĩa diễn ra trong khoảng thời gian từ
ngày 14 đến 16 tháng Giêng hàng năm. Vào dịp này, người dân địa phương đến dâng
hương, dâng lễ vật để tạ ơn Thành hoàng, Tiền hiền có công lớn trong buổi đầu
khai khẩn cơ nghiệp, lập làng và dựng đình. Trong tín ngưỡng dân gian, Thành
hoàng được xem như vị thần cai quản và quyết định phúc họa của một ngôi làng và
thường được thờ ở miếu, đình làng. Việc thực hành tín ngưỡng thờ Thành hoàng Bổn
cảnh nhằm bày tỏ lòng biết ơn, sự tôn kính đối với các bậc tiền nhân và cầu
mong Thành hoàng che chở, bảo trợ cho cuộc sống của người dân trong vùng.
Người dân đến tham dự Lễ tế Xuân khá đông. Mỗi người một
việc, chung tay cùng nhau chuẩn bị các mâm lễ cúng; đồng thời thực hiện các
nghi thức thờ cúng truyền thống. Nghi thức Lễ tế Xuân diễn ra trang nghiêm, được
thực hiện trang trọng với các lễ chủ yếu như: lễ nghệ sắc; dâng các lễ vật để cầu
mong Thành hoàng Bổn cảnh, Tiền hiền, Hậu hiền phù hộ, độ trì cho quốc thái dân
an; cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; đời sống an lành, ấm no, hạnh
phúc.
Ngoài việc ôn lại truyền thống, cúng tế các
bậc tiền nhân, Lễ tế Xuân ở Đình làng Đức Nghĩa còn là dịp để người
dân tề tựu, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Đặc biệt, đây cũng là dịp để thế
hệ trẻ tìm về giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống; qua đó, giáo dục ý thức giữ
gìn những nét văn hóa của dân tộc và nhân lên niềm tự hào, tình yêu quê hương,
đất nước.
Đình Tú Luông được tạo dựng vào đầu thế kỷ 19, trùng
tu hoàn chỉnh vào năm Tự Đức thứ 24 (năm 1871) để thờ thần Thành hoàng bổn cảnh,
các bậc Tiền hiền, Hậu hiền. Trong tổng thể chung, đến nay đình còn lưu giữ khá
nguyên vẹn sắc thái vốn có ban đầu từ kết cấu kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, cho
đến nghệ thuật trang trí trên nóc, mái đình đều thể hiện rõ đặc trưng của lối
kiến trúc dân gian truyền thống. Đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ
trên các khám thờ, hương án, bao lam... và cách bài trí bên trong nội thất nhất
loạt đều tuân thủ theo những quy ước dân gian gắn liền với tập tục và tâm niệm
của xã hội đương thời.
Đình Tú Luông còn lưu giữ nhiều di vật cổ xưa trong đó
có di sản Hán Nôm quý, gồm 10 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn ban tặng
và những bản hương ước của làng khắc chạm trên gỗ. Đình đã được Bộ Văn hóa
Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia tại Quyết định số
38 ngày 12/ 7/2001.
Không chỉ ở đình Đức Nghĩa, tại TP. Phan Thiết, lễ tế
Xuân còn được tổ chức tại các đình Tú Luông, Đức Thắng… trong khoảng thời
gian từ tháng Giêng đến tháng 2 âm lịch. Lễ tế Xuân diễn ra tại các đình
làng đã góp phần tạo nên không khí vui tươi trong những ngày đầu xuân, đồng thời
góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, cũng như
giáo dục thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn, quê hương.
Thanh Minh