image banner
Giữ gìn nét văn hoá đặc trưng của Lễ hội Nghinh ông

Cứ theo thông lệ 02 năm 01 lần, Lễ hội Nghinh Ông được diễn ra vào hạ tuần tháng 7 âm lịch. Đây là lễ hội truyền thống của cộng đồng người Hoa nói riêng và người dân Phan Thiết nói chung, thể hiện đức tin của cư dân cùng ước mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đời sống ngày một phát triển… Lễ hội còn mang lại nhiều giá trị văn hoá- tinh thần độc đáo, được lưu truyền nhiều đời, góp phần tạo nên bản sắc đặc trưng của phố biển Phan Thiết.

anh tin bai

Những ngày này, dọc các tuyến phố trong Khu đô thị biển Phan Thiết trở nên náo nhiệt hơn vào mỗi buổi chiều. Người dân nô nức xem đội múa rồng tập luyện. Với chiều dài 49 mét, “rồng xanh” của Quan đế miếu được làm bằng mây tre, toàn thân được phủ vải và trang trí nhiều hoạt tiết cầu kỳ, bắt mắt. Mỗi lần “rồng xanh” tập luyện và biểu diễn, có hơn 130 người cùng phối hợp nhịp nhàng với nhau. Đây cũng chính là biểu tượng văn hoá không thể thiếu của Lễ hội Nghinh Ông của TP. Phan Thiết. Ông Lê Thanh Hùng, ở phường Đức Thắng là thành viên múa “rồng xanh”của Quan đế miếu, chia sẻ: “Phong tục của người Hoa là diễu hành phải có Rồng xanh, để thỉnh cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, bà con đánh bắt xa bờ được ổn thoả. Nếu không có Rồng xanh thì biểu diễn không được, mất đi phong trào của hội quán. Chúng tôi ráng tuân theo truyền thống cha ông để lại, cố gắng tập luyện để phục vụ bà con”.

anh tin baianh tin bai

Không gian của Hội quán Triều Châu những ngày này như khoác một tấm áo mới, đẹp, rộn ràng và vui tươi hơn với những lời ca, tiếng nhạc mang đậm âm hưởng văn hoá người Hoa. Các tốp múa hát, đội diễu hành gồm thiếu niên- nhi đồng say sưa tập luyện, chuẩn bị chu đáo nhất cho lễ hội sắp được diễn ra… “Người dân ở đây háo hức lắm, tạo điều kiện để con cháu tham gia, đây là lễ hội của toàn dân, không chỉ của riêng người Hoa nữa”. Bà Lê Thị Thu Thảo, người dân phường Lạc Đạo cho biết.

Cùng với các hội quán Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, hội quán Quảng Đông những ngày này cũng hết sức rộn ràng. Lễ cúng tiền hiền, cúng vu lan được ban quản lý hội quán tổ chức trang nghiêm. Nhằm bày tỏ lòng thành kính của cư dân đối với những bậc tiền nhân, đã có công xây dựng, phát triển cộng đồng từ hàng trăm năm qua. Giữ gìn nét truyền thống từ nhiều đời, hội quán như là ngôi nhà chung của cộng đồng người Hoa, nơi người dân gửi gắm niềm tin, mong cầu nhiều điều bình an, hạnh phúc đến với gia đình, người thân, là nơi để người lớn tuổi truyền thụ những tinh hoa văn hoá cho thế hệ trẻ… “Cúng tiền hiền để báo cáo với ông bà tổ tiên, cũng là ngày để tập hợp con cháu…Ông bà cha mẹ tôi đã sang Việt Nam từ lâu lắm rồi, chúng tôi là con cháu nên cũng muốn giữ lại những truyền thống văn hoá để xây dựng quê hương, đất nước”, ông Trương Đa Bảy, Hội phó Hội quán Quảng Đông ở phường Đức Nghĩa, cho biết thêm.

Người Hoa có truyền thống văn hoá đặc sắc, đây cũng là  một trong những cộng đồng đã góp nhiều công sức để định hình và xây dựng Phan Thiết từ thời xưa. Thông qua Lễ hội Nghinh Ông là điều kiện quan trọng để người dân cùng chung tay bảo tồn, lưu giữ những nét văn hoá đặc trưng của cộng đồng, qua đó tạo sự gắn kết, cùng phát triển của 35 dân tộc anh em cùng chung sống tại Bình Thuận. Dự kiến, Lễ hội Nghinh Ông năm 2024 được tổ chức chính thức trong 03 ngày, từ 23 đến 25/08, với nhiều lễ nghi và chương trình biểu diễn độc đáo, hứa hẹn thu hút đông đảo người dân và du khách thưởng lãm.

Thanh Minh

Thanh Minh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập