image banner
Đặc sắc Lễ hội Cầu ngư Phan Thiết

Từ bao đời nay, Lễ hội Cầu ngư là một sản phẩm văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam, gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông. Tại Vạn Thủy Tú (phường Đức Thắng), nơi trưng bày bộ xương cốt của cá Ông lớn nhất ở Đông Nam Á, từ ngày 06/8- 08/8/2023 (nhằm ngày 20- 22 tháng 6 âm lịch) đã diễn ra Lễ hội Cầu ngư chính mùa. Đây cũng là một trong các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2023- “Bình Thuận- Hội tụ xanh”. Ông Lê Văn Chơn- Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết- Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Cầu ngư 2023 cho biết: “Lễ hội Cầu ngư được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm nay Lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, hoành tráng và nhiều hoạt động đặc sắc hơn. Lễ hội là dịp để ngư dân thể hiện tấm lòng thành kính đối với thần Nam Hải và cầu mong sự phù hộ để việc đánh bắt hải sản trên biển luôn gặp bình an, may mắn. Thông qua lễ hội cộng đồng ngư dân thắt chặt mối đoàn kết và tương thân, tương ái trong lao động và cuộc sống. Đặc biệt, năm nay Bình Thuận đăng cai Năm Du lịch quốc gia, vì thế lễ hội cũng góp phần quảng bá hình ảnh quê hương Phan Thiết đến với du khách trong và ngoài nước”.

Lễ hội Cầu ngư có cấu trúc, diễn trình phong phú và hấp dẫn, chứa đựng nhiều nghi lễ, yếu tố văn hóa gắn với môi trường sinh kế của ngư dân, cũng như tích hợp một số giá trị văn hóa của các tín ngưỡng, tôn giáo khác. Thể hiện niềm tin của ngư dân vào sự hiển linh của loài cá voi - vị thần biển cả đã cứu trợ, giúp đỡ họ trong những chuyến đi biển đầy nguy hiểm.

 

anh tin bai

 

Lễ hội bao gồm phần lễ và phần hội. Trong đó, lễ chính bắt đầu từ sáng sớm ngày 06/8 tại Vạn Thủy Tú. Đoàn lễ khởi hành từ Vạn Thủy Tú xuống bến cảng và lên ra khơi đến Hòn Lao cách bờ khoảng 03km thì dừng lại để thực hiện nghi lễ thỉnh mời Ông từ biển khơi về vạn chứng giám lễ hội. Phần hội diễn ra trên biển ngay sau khi người chủ lễ đọc văn tế cung thỉnh chư vị Thủy thần. Chiêng trống nhạc lễ nổi lên liên hồi và đội bả trạo vừa hát vừa diễn xướng tạo nên không khí trang trọng, vui tươi, cung thỉnh Ông Nam Hải từ biển đi bộ diễu hành về vạn, thu hút đông đảo nhân dân, du khách đến chiêm ngưỡng.

 
anh tin bai

                 Du khách nước ngoài thích thú, chụp ảnh lưu niệm

 

Sau khi rước Ông về, Ban tế tự Vạn Thủy Tú tiến hành lễ tiên yết, giỗ sắc và tế âm linh tại Dinh Vạn Thủy Tú, cầu mong quốc thái dân an, mùa màng no đủ. Tiếp đó là lễ phóng đăng trên sông Cà Ty. Anh LUKE- Du khách người Mỹ chia sẻ: “Tôi thích tìm hiểu về các lễ hội tại Việt Nam vì vậy tôi đã tìm đến lễ hội này. Rất là thú vị và tôi cũng có tìm hiểu về tục thờ Cá ông. Tôi muốn đem sự hiểu biết của mình để kể những câu chuyện, truyền tải sang tiếng anh để mọi người đều biết”.

Anh Lê Quang Quý- Du khách đến từ Bình Dương cho biết: “Tôi rất thích tìm hiểu những Lễ hội truyền thống của đất nước ta. Đặc biệt là Lễ hội Cầu Ngư của TP. Phan Thiết đã thể hiện được bản sắc văn hoá của địa phương đã diễn ra rất từ lâu đời nay. Tôi sẽ giới thiệu đến mọi người biết được ở Phan Thiết có một Lễ hội mang đậm nét văn hóa đặc trưng của cư dân vùng biển”.

Thầy Nguyễn Thanh Lợi- Giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP. Hồ Chí Minh, người có nhiều năm nghiên cứu về các lễ nghi, văn hóa vùng biển nhận xét: “Lễ hội Cầu ngư mang một sắc thái văn hóa riêng của cộng đồng cư dân miền biển, sắc thái ấy đã có một quá trình tồn tại trên tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc mà bao thế hệ cha ông đi trước đã kế thừa, chắt lọc và cô đọng thành những tinh hoa văn hóa. Do vậy Lễ hội Cầu ngư ở vạn Thủy Tú trong dòng chảy chung của lịch sử các tỉnh Nam Trung Bộ, có chung nền tảng văn hóa, lịch sử và cả những hướng phát triển chung theo khu vực, nhưng ở đây một số nội dung đặc trưng của ngư dân Bình Thuận biểu hiện trong lễ nghi dân gian không lẫn vào đâu được”.

  
anh tin bai

 

         Trước đó, trong phần hội từ ngày 01/8, trên đường Trưng Trắc, từ cầu Trần Hưng Đạo đến Cảng cá Phan Thiết đã diễn ra hội chợ trưng bày, triển lãm, gian hàng ẩm thực giới thiệu các mặt hàng hải đặc sản tươi, khô, nước mắm, hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ; sản phẩm bánh cốm đặc sản và văn hóa ẩm thực Phan Thiết; gian hàng thương mại sản phẩm gia dụng, công nghiệp, nông nghiệp... Đặc biệt trong thời gian diễn ra lễ hội còn có chương trình hát bội, hội hô bài chòi, âm nhạc đường phố, biểu diễn nghệ thuật ngợi ca “Đất nước, con người Phan Thiết – Bình Thuận”…

Lễ hội Cầu ngư không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa dân gian đặc sắc, mang tính vùng miền của ngư dân mỗi địa phương có di sản mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu sự đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc, là cơ hội phát huy giá trị văn hóa biển Việt Nam. Bên cạnh đó, Lễ hội Cầu ngư chính là nguồn sử liệu, bằng chứng xác thực về chủ quyền biển đảo và kinh nghiệm ứng xử với biển đảo của các thế hệ người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai…

 

Thanh Minh

 

Thanh Minh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập