TOÀN VĂN: Quy định 178-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật
TOÀN VĂN: Quy định 178-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật
QUY ĐỊNH
về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
2.
Quy định này áp dụng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cơ quan,
tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật và tổ
chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong văn bản này, các từ ngữ được hiểu như sau:
1. Công tác xây dựng pháp luật
là hoạt động của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong việc đề
nghị, kiến nghị xây dựng pháp luật, lập, thông qua, điều chỉnh chương
trình xây dựng pháp luật, soạn thảo, lấy ý kiến, trình, tham gia góp ý,
phản biện xã hội, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, ban hành văn
bản quy phạm pháp luật.
2. Quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật
là thẩm quyền của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên và cơ quan, tổ chức,
người có thẩm quyền trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong
công tác xây dựng pháp luật.
3. Kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật
là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm cấp ủy, tổ chức đảng,
đảng viên và cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây
dựng pháp luật thực hiện nghiêm nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong công
tác xây dựng pháp luật; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi
vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là hành vi tham
nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp
luật.
4. Tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật là
hành vi của người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật đã lợi
dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong công tác xây dựng
pháp luật vì vụ lợi.
5. Lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật
là hành vi tham nhũng của người có thẩm quyền trong công tác xây dựng
pháp luật cố ý lồng ghép, đưa vào hoặc không đưa vào trong văn bản quy
phạm pháp luật các quy định với mục đích phục vụ, đáp ứng hoặc bảo vệ
lợi ích riêng của một nhóm người hoặc lợi ích cục bộ của cơ quan, tổ
chức, địa phương, doanh nghiệp mà lợi ích đó có tính chất không chính
đáng, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Nhân dân.
6. Tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật
là hành vi của người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thực hiện không đúng
chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế của cơ
quan, điều lệ của tổ chức trong công tác xây dựng pháp luật.
7. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật bao gồm:
a)
Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc được giao trách nhiệm trong việc đề
nghị xây dựng pháp luật, lập, thông qua, điều chỉnh chương trình xây
dựng pháp luật, soạn thảo, lấy ý kiến, trình, tham gia góp ý, phản biện
xã hội, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, ban hành văn bản quy
phạm pháp luật
b) Đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức có
thẩm quyền hoặc được giao trách nhiệm trong việc đề nghị, kiến nghị xây
dựng pháp luật, lập, thông qua, điều chỉnh chương trình xây dựng pháp
luật, soạn thảo, lấy ý kiến, trình, tham gia góp ý, phản biện xã hội,
thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, ban hành văn bản quy phạm pháp
luật.
Điều 3. Nguyên tắc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật
1.
Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện
của Đảng trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,
lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
2. Kết hợp
đồng bộ, chặt chẽ các cơ chế, biện pháp kiểm soát quyền lực, phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng
pháp luật; chủ động phòng ngừa là chính; kịp thời phát hiện, ngăn chặn
và xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn,
tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; bảo vệ đảng
viên, cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám
làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
3. Đề cao trách nhiệm
nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức,
trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng
pháp luật.
4. Bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng
pháp luật; không làm cản trở sự chủ động, sáng tạo, công khai, minh
bạch, dân chủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi trong công tác xây
dựng pháp luật.
5. Bảo đảm sự giám sát, phản biện, tham gia xây
dựng pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên
của Mặt trận, cơ quan báo chí, tổ chức xã hội khác và Nhân dân theo quy
định.
Điều 4. Phương thức kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật
1. Kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật được thực hiện thông qua các hoạt động sau đây:
a) Hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật.
b)
Hoạt động kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có
thẩm quyền thông qua việc thực hiện các quy trình, thủ tục trong công
tác xây dựng pháp luật.
c) Hoạt động giám sát văn bản quy phạm
pháp luật của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; hoạt động kiểm tra
văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, hội đồng
nhân dân, ủy ban nhân dân.
d) Hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật.
đ)
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng pháp luật của
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ
chức xã hội khác, cơ quan báo chí và Nhân dân.
e) Hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong công tác xây dựng pháp luật.
2. Các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật bao gồm:
a) Thực hiện các hoạt động kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật quy định tại Khoản 1, Điều này.
b)
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi
ích nhóm, cục bộ, bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi. Thường
xuyên giám sát, kiểm tra công tác xây dựng pháp luật, rà soát, hệ thống
hoá văn bản quy phạm pháp luật để phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi
tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp
luật và kịp thời ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị ban hành, sửa
đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục hoàn thiện Luật Ban
hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định có liên quan; cụ thể hoá
về đối tượng, phương thức tham gia phản biện, góp ý kiến xây dựng pháp
luật.
c) Thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức,
trách nhiệm cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân
trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công
tác xây dựng pháp luật.
d) Thực hiện công khai, minh bạch trong
tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức; trách nhiệm giải trình; kiểm
soát xung đột lợi ích; thực hiện quy tắc ứng xử; ứng dụng khoa học -
công nghệ và các biện pháp phòng ngừa tham nhũng khác trong cơ quan, tổ
chức theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật về phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực.
đ) Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, xử
lý hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây
dựng pháp luật bằng các biện pháp kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính, xử
lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định của Đảng và pháp luật
của Nhà nước.
e) Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức,
viên chức làm công tác xây dựng pháp luật; xây dựng tổ chức bộ máy, bố
trí kinh phí phù hợp cho công tác xây dựng pháp luật.
3. Cấp ủy,
tổ chức đảng, đảng viên, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong
công tác xây dựng pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình
có trách nhiệm thực hiện các hoạt động kiểm soát quyền lực trong công
tác xây dựng pháp luật theo Quy định này, quy định khác có liên quan của
Đảng và Nhà nước để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm,
cục bộ.
Chương II
KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC, PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT
Điều 5. Các hành vi tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật
1.
Cố ý chủ trì ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật
có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ; cố ý trì hoãn việc đình chỉ,
bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp
luật vì mục đích lợi ích nhóm, cục bộ.
2. Nhận tiền, tài sản, lợi
ích vật chất hoặc các lợi ích khác dưới mọi hình thức để ban hành hoặc
tác động đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây
dựng pháp luật nhằm ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể
hiện lợi ích nhóm, cục bộ.
3. Đưa hối lộ, môi giới hối lộ cho
người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật nhằm ban hành văn
bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ.
4.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong công tác xây dựng pháp luật
để định hướng truyền thông không bảo đảm khách quan và không đúng sự
thật về nội dung chính sách trong công tác xây dựng pháp luật vì vụ lợi.
5. Lạm quyền, câu kết với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác để trục lợi trong công tác xây dựng pháp luật.
6.
Các hành vi tham nhũng, lợi ích nhóm, cục bộ khác trong công tác xây
dựng pháp luật theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Điều 6. Các hành vi tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật
1.
Cố ý không chấp hành nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong
công tác xây dựng pháp luật hoặc cố ý che giấu, báo cáo không trung thực
với cơ quan có thẩm quyền về tình hình thực tiễn, về nội dung ý kiến
góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc cố ý đưa những nội dung mới vào
dự thảo văn bản khác với những chính sách hoặc nội dung đã được cấp có
thẩm quyền thông qua mà không báo cáo cấp lãnh đạo có thẩm quyền dẫn đến
văn bản quy phạm pháp luật không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp
hoặc tính thống nhất với hệ thống pháp luật hoặc có nhiều sơ hở và bị
lợi dụng gây ra thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
2. Thiếu
trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý trong công tác xây dựng pháp
luật; bao che, cố ý không báo cáo, không xử lý các hành vi tham nhũng,
tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong cơ quan, tổ chức, địa phương do
mình trực tiếp quản lý trong công tác xây dựng pháp luật.
3. Sử
dụng trái quy định tài chính, tài sản công, tài sản của tổ chức, doanh
nghiệp, cá nhân đóng góp, tài trợ, viện trợ trong công tác xây dựng pháp
luật.
4. Móc nối, câu kết với các thế lực thù địch, phản động và
các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị nhằm tuyên truyền tư tưởng, quan
điểm trái với chủ trương, quy định của Đảng trong công tác xây dựng pháp
luật; thu thập, chuyển giao cho nước ngoài hoặc tổ chức, cá nhân khác
trái quy định của pháp luật các thông tin, tài liệu liên quan đến công
tác xây dựng pháp luật; lợi dụng việc phản ánh, góp ý kiến, phản biện xã
hội trong công tác xây dựng pháp luật để chống phá Đảng và Nhà nước.
5. Các hành vi tiêu cực khác trong công tác xây dựng pháp luật theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Điều 7. Trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật
1.
Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, quy định về công
tác xây dựng pháp luật; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy,
tổ chức đảng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công tác xây dựng
pháp luật; lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hoá kịp thời, chính xác, đầy đủ chủ
trương, quy định của Đảng thành pháp luật của Nhà nước.
2. Rà
soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy định của
Đảng về công tác xây dựng pháp luật nhằm bảo đảm trình tự, thủ tục chặt
chẽ, khoa học, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.
3. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình:
a)
Báo cáo xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng theo quy định tại
Điều 14 của Quy định này và chỉ đạo thực hiện theo ý kiến của cơ quan
có thẩm quyền của Đảng. Đối với cơ quan dân cử, đảng đoàn, tổ chức đảng
các cơ quan hữu quan thuộc cơ quan dân cử có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ
đạo các đại biểu dân cử chấp hành nghiêm ý kiến chỉ đạo của cơ quan có
thẩm quyền của Đảng trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý và xem
xét thông qua các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
b)
Cho ý kiến đối với vấn đề mà cấp ủy, tổ chức đảng cơ quan chủ trì soạn
thảo, cơ quan có trách nhiệm xin ý kiến theo quy định tại Điều 14 của
Quy định này.
4. Lãnh đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp
luật. Thường xuyên tự kiểm tra và chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát
việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công
tác xây dựng pháp luật thuộc phạm vi lãnh đạo, chỉ đạo của mình, cơ quan
tham mưu, giúp việc, cơ quan cấp dưới và đảng viên, cán bộ, công chức,
viên chức thuộc quyền quản lý trong công tác xây dựng pháp luật. Tổ chức
kiểm điểm, đánh giá đảng viên, cấp ủy định kỳ, hằng năm hoặc đột xuất
việc thực hiện quy định về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu
cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
5.
Khi phát hiện văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân
mà cấp ủy, tổ chức đảng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo có chứa nội dung
trái pháp luật hoặc có lợi ích nhóm, cục bộ thì phải kịp thời chỉ đạo
xem xét, làm rõ, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đình chỉ việc thi
hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản; đồng
thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý cơ
quan, tổ chức, cá nhân đã ban hành văn bản.
6. Tổ chức tiếp nhận,
xử lý kịp thời các phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực,
lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Bảo vệ và khen
thưởng kịp thời tổ chức, cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo trung thực
hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ và hành vi vi phạm
khác trong công tác xây dựng pháp luật.
7. Lãnh đạo, chỉ đạo việc
quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đánh giá cán bộ, công chức, viên
chức làm công tác xây dựng pháp luật; miễn nhiệm, điều động hoặc chuyển
đổi vị trí công tác đối với những người có năng lực chuyên môn không
đáp ứng yêu cầu trong công tác xây dựng pháp luật.
8. Cung cấp
thông tin, tài liệu và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, người có
thẩm quyền trong quá trình kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi tham nhũng,
tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
9.
Chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên về việc lãnh đạo cơ quan, tổ
chức, người có thẩm quyền bảo đảm tiến độ, chất lượng, tuân thủ trình
tự, thủ tục trong công tác xây dựng pháp luật; chịu trách nhiệm khi để
xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây
dựng pháp luật, trừ trường hợp được quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều
16 của Quy định này.
Điều 8. Trách nhiệm của thành viên cấp ủy, tổ chức đảng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật
1.
Thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước
cấp ủy, tổ chức đảng đối với việc thực hiện nhiệm vụ trong công tác xây
dựng pháp luật.
2. Kiên quyết đấu tranh với những hành vi trái
với các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác xây
dựng pháp luật.
3. Thể hiện rõ chính kiến và chịu trách nhiệm về ý
kiến của mình, được bảo lưu ý kiến trong công tác xây dựng pháp luật.
Chịu trách nhiệm cá nhân và chịu trách nhiệm liên đới cùng với cấp ủy,
tổ chức đảng khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ
trong công tác xây dựng pháp luật, trừ trường hợp không được lấy ý kiến
hoặc đã có ý kiến không đồng ý.
Điều 9. Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật
Ngoài
việc thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 8 của Quy định này, người
đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong
công tác xây dựng pháp luật còn phải thực hiện:
1. Lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện quy định tại Điều 7 của Quy định này.
2.
Thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong công tác xây
dựng pháp luật theo quy định của Đảng, chịu trách nhiệm trước cấp ủy, tổ
chức đảng cấp trên đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác xây
dựng pháp luật.
Điều 10. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật
1. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật
a)
Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền hình dự án, dự thảo văn bản quy
phạm pháp luật chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức, người có thẩm
quyền ban hành văn bản về tiến độ trình và chất lượng dự án, dự thảo văn
bản.
b) Ban soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo về tiến độ,
chất lượng dự án, dự thảo văn bản.
c) Cơ quan, tổ chức chủ trì
soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ
chức, người có thẩm quyền trình hoặc cơ quan, tổ chức, người có thẩm
quyền ban hành văn bản về tiến độ soạn thảo; việc nghiên cứu, giải
trình, tiếp thu ý kiến tham gia trong quá trình chỉnh lý văn bản; chất
lượng dự án, dự thảo văn bản được phân công soạn thảo.
d) Cơ quan,
tổ chức, người có thẩm quyền đề nghị, kiến nghị xây dựng pháp luật chịu
trách nhiệm về nội dung đề nghị, kiến nghị của mình. Cơ quan, tổ chức,
người có thẩm quyền được đề nghị tham gia góp ý kiến, phản biện xã hội
về đề nghị xây dựng pháp luật, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
chịu trách nhiệm về nội dung và thời hạn tham gia góp ý kiến, phản biện
xã hội.
đ) Cơ quan thẩm định chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ
chức, người có thẩm quyền trình hoặc cơ quan, người có thẩm quyền ban
hành văn bản quy phạm pháp luật về thời hạn, kết quả thẩm định đề nghị,
kiến nghị xây dựng pháp luật, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
e)
Cơ quan chủ trì thẩm tra chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức, người
có thẩm quyền ban hành văn bản về thời hạn, kết quả thẩm tra đề nghị,
kiến nghị xây dựng pháp luật, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;
cơ quan tham gia thẩm tra chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức,
người có thẩm quyền ban hành văn bản về thời hạn, kết quả tham gia thẩm
tra đề nghị, kiến nghị xây dựng pháp luật, dự án, dự thảo văn bản quy
phạm pháp luật về lĩnh vực mà cơ quan mình phụ trách.
g) Cơ quan,
tổ chức chủ trì, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia tiếp thu, chỉnh lý
văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức,
người có thẩm quyền ban hành văn bản về nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự
án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
h) Cơ quan, tổ chức, người
có thẩm quyền thông qua, điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật,
ban hành văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm về tiến độ, chất
lượng văn bản do mình ban hành.
2. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác xây dựng pháp luật:
a) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác xây dựng pháp luật.
b)
Chỉ đạo báo cáo kịp thời, đầy đủ, trung thực cho cấp ủy, tổ chức đảng,
tập thể lãnh đạo và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với những nội
dung quan trọng, những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án, dự
thảo văn bản quy phạm pháp luật và phương án, quan điểm xử lý.
c) Chỉ đạo tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác xây dựng pháp luật.
d)
Chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Xử lý các
trường hợp xung đột lợi ích trong công tác xây dựng pháp luật theo quy
định. Kịp thời phát hiện, nhắc nhở, chấn chỉnh, báo cáo và xử lý nghiêm
hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây
dựng pháp luật.
đ) Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát văn bản quy
phạm pháp luật theo thẩm quyền; khi phát hiện văn bản quy phạm pháp
luật có nội dung trái pháp luật hoặc có lợi ích nhóm, cục bộ, tham
nhũng, tiêu cực thì phải kịp thời chỉ đạo, xem xét, làm rõ, đình chỉ
hoặc đề nghị đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một
phần hoặc toàn bộ văn bản; đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến
nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ban hành
văn bản.
e) Chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra hành vi tham
nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật
của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ; chịu trách nhiệm
liên đới trong trường hợp đã giao cấp phó của mình chịu trách nhiệm trực
tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật, trừ trường hợp quy định tại
Điểm b, Khoản 2, Điều 16 của Quy định này.
g) Trong phạm vi nhiệm
vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm
vụ của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Khoản 1, Điều này.
Điều 11. Trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức
1. Trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức tham mưu, đề xuất trong công tác xây dựng pháp luật:
a)
Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp
luật của Nhà nước đối với nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong công tác
xây dựng pháp luật.
b) Nắm vững chủ trương, quy định của Đảng,
pháp luật của Nhà nước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tình
hình thực tiễn về các vấn đề có liên quan đến chính sách mà mình tham
mưu, đề xuất. Bảo đảm khách quan, minh bạch, công tâm, kịp thời, chính
xác, thận trọng, chặt chẽ trong tham mưu, đề xuất về công tác xây dựng
pháp luật.
c) Chịu trách nhiệm về nội dung tham mưu, đề xuất và được bảo lưu ý kiến trong công tác xây dựng pháp luật
d)
Kịp thời báo cáo lãnh đạo xử lý trong trường hợp còn ý kiến khác nhau
và biết có xung đột lợi ích khi thực hiện nhiệm vụ trong công tác xây
dựng pháp luật.
đ) Kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý khi
phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong
công tác xây dựng pháp luật.
2. Đảng viên, cán bộ, công chức, viên
chức có trách nhiệm phát hiện, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, phản ánh,
kiến nghị, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan,
tổ chức, người có thẩm quyền về hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích
nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật, hành vi bao che, tiếp
tay cho hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công
tác xây dựng pháp luật. Nghiêm cấm đảng viên, cán bộ, công chức, viên
chức xuyên tạc, vu khống, bịa đặt, cố ý phản ánh, tố cáo, cung cấp thông
tin không đúng sự thật cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
Điều 12. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khác
1.
Tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm phát hiện, phản ánh, báo cáo, tố
cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm,
cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật và được bảo vệ, khen thưởng
theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền
khiếu nại, tố cáo để vu khống, bịa đặt, cố ý phản ánh, tố cáo, tố giác,
báo tin không đúng sự thật cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
2.
Nghiêm cấm đối tượng chịu sự tác động của văn bản quy phạm pháp luật và
các tổ chức, cá nhân khác hối lộ, mua chuộc, lợi dụng chức vụ, quyền
hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân để tác động, can thiệp, gây
áp lực đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây
dựng pháp luật nhằm có được lợi ích nhóm, cục bộ trong văn bản quy phạm
pháp luật.
Điều 13. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan báo chí, tổ chức xã hội khác
Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan
báo chí, tổ chức xã hội khác và Nhân dân thực hiện việc giám sát, góp ý,
phản biện xã hội, tham gia xây dựng pháp luật theo quy định của pháp
luật. Trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm,
cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật, hành vi bao che, tiếp tay cho
hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây
dựng pháp luật thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý và giám sát
việc thực hiện kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng về nội dung văn bản quy phạm pháp luật
1.
Cấp ủy, tổ chức đảng, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp
luật có trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền của Đảng
theo phân cấp quản lý đối với các vấn đề lớn sau đây của dự án, dự thảo
văn bản quy phạm pháp luật:
a) Dự kiến những định hướng nội dung
sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, định hướng chương trình xây dựng pháp luật
nhiệm kỳ Quốc hội, dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng
năm.
b) Quan điểm và nội dung về những vấn đề quan trọng liên quan
đến thể chế chính trị, thể chế kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,
tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền công dân trong dự án,
dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
c) Quan điểm và nội dung về
những vấn đề cơ bản còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan, tổ chức,
người có thẩm quyền liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách mới,
quan trọng hoặc cơ chế, chính sách đặc thù theo nghị quyết của Đảng
trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
2. Việc xin ý
kiến đối với các vấn đề lớn của dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp
luật quy định tại Khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:
a) Đối
với dự án, dự thảo Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết có chứa quy
phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc
hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, định hướng chương trình xây dựng pháp
luật nhiệm kỳ Quốc hội, dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
hằng năm, Đảng đoàn Quốc hội có trách nhiệm báo cáo xin ý kiến Bộ Chính
trị, Ban Bí thư hoặc trình Bộ Chính trị báo cáo xin ý kiến Ban Chấp hành
Trung ương Đảng.
Đối với dự án, dự thảo Hiến pháp, luật, pháp
lệnh, nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường
vụ Quốc hội chưa trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu xét thấy
cần thiết, các Ban cán sự đảng; Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao,
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước; Đảng đoàn Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam, đảng đoàn hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của cơ
quan Trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm báo
cáo xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc trình Bộ Chính trị báo cáo
xin ý kiến Ban Chấp hành Trung trong Đảng.
b) Ban cán sự đảng
Chính phủ có trách nhiệm báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư
đối với dự thảo nghị định quy định về các vấn đề cần thiết thuộc thẩm
quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện
xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh. Đối với các dự thảo nghị định khác,
nếu xét thấy cần thiết, Ban cán sự đảng Chính phủ có trách nhiệm xin ý
kiến Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư.
c) Đối với các dự thảo văn bản
quy phạm pháp luật không thuộc các trường hợp quy định tại Điểm a và
Điểm b Khoản này, tổ chức đảng hoặc lãnh đạo của cơ quan xây dựng, ban
hành văn bản có trách nhiệm báo cáo xin ý kiến cấp ủy, tổ chức đảng có
thẩm quyền theo phân cấp quản lý.
3. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng có trách nhiệm cho ý kiến kịp thời về những nội dung được xin ý kiến.
Chương III
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 15. Xử lý các hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật
1.
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích
nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật phải bị xử lý nghiêm minh
theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của cơ quan,
tổ chức, đơn vị.
Những hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lợi
ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật chưa có quy định xử
lý thì căn cứ vào Điều lệ và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà
nước, điều lệ và quy định của các tổ chức đoàn thể để xử lý cho phù hợp.
Trường
hợp đã xử lý kỷ luật, nhưng xét thấy cần thiết thì cấp có thẩm quyền
phải kiên quyết điều chuyển người vi phạm khỏi vị trí công tác đang đảm
nhiệm, thay thế, cho thôi giữ chức, miễn nhiệm, từ chức, không bố trí
công tác liên quan đến hoạt động xây dựng pháp luật.
2. Trường hợp
vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ
sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật, không được
giữ lại để xử lý nội bộ.
Điều 16. Xử lý trách nhiệm khi để xảy ra hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật
1. Đối với tổ chức:
Cấp
ủy, tổ chức đảng để xảy ra hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lợi
ích nhóm, cục bộ thuộc phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo
thì xử lý theo quy định của Đảng.
2. Đối với lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị:
a)
Người đứng đầu, thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, thành viên tập thể
lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm, tham nhũng,
tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật tại cơ
quan, tổ chức, đơn vị, phạm vi công việc mình được phân công trực tiếp
quản lý, phụ trách thì xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà
nước và quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
b) Lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị được xem xét loại trừ trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:
-
Không được xin ý kiến hoặc đã có ý kiến không đồng ý với nội dung có
tính chất tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong dự thảo văn
bản quy phạm pháp luật.
- Đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo áp dụng
biện pháp quy định tại Khoản 5, Điều 7 và Điểm đ, Khoản 2, Điều 10 để
phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ
trong công tác xây dựng pháp luật và không để xảy ra hậu quả của hành
vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ.
- Thuộc trường hợp
được loại trừ trách nhiệm theo quy định của pháp luật về khuyến khích,
bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách
nhiệm vì lợi ích chung.
c) Lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị được xem xét miễn, giảm trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:
-
Đã lãnh đạo, chỉ đạo áp dụng biện pháp quy định tại Khoản 5, Điều 7 và
Điểm đ, Khoản 2, Điều 10 để ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi
tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ.
- Thuộc trường hợp
được xem xét miễn hoặc giảm trách nhiệm theo quy định của pháp luật về
khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám
chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
- Được xem xét miễn hoặc giảm
hình thức kỷ luật nếu chủ động khai báo vi phạm và xin từ chức trước khi
cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý, trừ trường hợp bị truy cứu
trách nhiệm hình sự.
d) Lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ
chức, đơn vị bị xem xét tăng trách nhiệm trong trường hợp phát hiện
hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây
dựng pháp luật mà không lãnh đạo, chỉ đạo áp dụng biện pháp quy định tại
Khoản 5, Điều 7 và Điểm đ, Khoản 2, Điều 10 hoặc các biện pháp cần
thiết khác để ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng, tiêu
cực, lợi ích nhóm, cục bộ.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Tổ chức thực hiện
1.
Cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công
tác xây dựng pháp luật lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, xây dựng
chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy
định này.
2. Đảng đoàn Quốc hội, các Ban cán sự đảng: Chính phủ,
Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà
nước trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình chỉ đạo rà soát, ban
hành, sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các
văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Quy định
này; thường xuyên chỉ đạo rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp
luật, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra công tác xây dựng pháp luật
nhằm phát hiện sơ hở, bất cập có nguy cơ phát sinh tham nhũng, tiêu
cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời
sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.
3.
Ủy ban kiểm tra các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện
Quy định này; xử lý kỷ luật theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm
quyền xử lý kỷ luật tập thể, cá nhân vi phạm.
4. Ban cán sự đảng
Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương chỉ đạo các cơ
quan có liên quan nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện cơ chế về tổ chức bộ
máy, cán bộ, chế độ, chính sách, kinh phí trong công tác xây dựng pháp
luật bảo đảm đúng, đầy đủ, kịp thời và đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể
chế theo đúng chủ trương, quy định của Đảng.
5. Đảng ủy Công an
Trung ương, Quân ủy Trung ương có trách nhiệm nắm, trao đổi tình hình về
âm mưu, phương thức, thủ đoạn tác động chuyển hoá nội bộ thông qua hoạt
động xây dựng pháp luật của các thế lực thù địch, phản động; phương
thức, thủ đoạn tội phạm tham nhũng, hành vi tiêu cực, lợi ích nhóm, cục
bộ trong xây dựng pháp luật.
6. Ban Dân vận Trung ương, Đảng đoàn
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong phạm
vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện cơ chế
tham gia ý kiến, phản biện xã hội trong công tác xây dựng pháp luật; đề
xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý các trường hợp vi phạm được
phát hiện qua giám sát và phản ánh của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức
chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí và Nhân dân.
7.
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan
chỉ đạo nghiên cứu, phổ biến, quán triệt và tuyên truyền việc thực hiện
Quy định này.
8. Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy
ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm
tra, giám sát việc thực hiện Quy định này; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo
cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Điều 18. Hiệu lực thi hành
1. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
2.
Đối với các hành vi vi phạm xảy ra trước ngày Quy định này có hiệu lực
thì xem xét xử lý theo Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm và các
văn bản khác có liên quan.
Trong quá trình thực hiện Quy định, nếu
phát hiện có vướng mắc và cần bổ sung, sửa đổi thì Ban Nội chính Trung
ương báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.