image banner
Ủy ban MTTQ VN TP Phan Thiết lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Cùng với việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho tập thể Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam 18 phường, xã, hiện Ủy ban MTTQ VN TP Phan Thiết cũng đang triển khai lấy ý kiến Nhân dân về Dự tháo Luật quan trọng này.

Ông Nguyễn Văn Tiến Hữu – Phó Chủ tịch UBMTTQ VN TP Phan Thiết cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 671, ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Kế hoạch số 676, ngày 01/02/2023 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Kế hoạch số 110, ngày 13/01/2023 của UBND tỉnh về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); đồng thời, căn cứ văn bản chỉ đạo của Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh và Kế hoạch số 703, ngày 17 tháng 02 năm 2023 của UBND TP Phan Thiết về Phối hợp triển khai thực hiện lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); ngày 21/02/2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Phan Thiết đã có văn bản gửi ban thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã phường phối hợp triển  khai thực hiện lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Trong đó, Ủy ban mặt trận TP Phan Thiết xác định đây dự thảo luật rất quan trọng tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các tầng lớp Nhân dân nên việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thể hiện tâm tư nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ, trí tuệ của Nhân dân cũng như tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân nên mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi). Vì vậy, quá trình triển khai, Ban thường trực Ủy ban MTTQ VN TP Phan Thiết cũng đặt ra yêu cầu cho cấp xã phường phải tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc. “Để việc lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong hệ thống mặt trận TP được tập trung về mặt nội dung, căn cứ vào các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn của trên Ủy ban MTTQ VN TP Phan Thiết cũng đã đưa ra 10 nội dung gợi ý để phối hợp triển khai lấy ý kiến của Nhân dân, gồm: (1) Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; (2) Về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; (3)Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (4) Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; (5) Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; (6) Quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; (7) Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất; (8) Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm; (9) Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; (10) Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai” -  Ông Nguyễn Văn Tiến Hữu – Phó Chủ tịch UBMTTQ VN TP Phan Thiết, nói rõ hơn.

Triển khai việc lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đến nay, Ủy ban mặt trận 18 xã phường của Phan Thiết đã và đang thực hiện theo các yêu cầu, nội dung để ra. Kết quả bước đầu cũng cho thấy Nhân dân cũng đang rất quan tâm đến nội dung này. Đơn cử tại phường Đức Thắng, Ủy Ban MTTQ phường cũng đã phối hợp tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của Nhân dân tại 7/7 khu phố, qua đó có 42 lượt ý kiến nhân dân góp ý trực tiếp vào các nội dung của dự thảo luật; hay như tại phường Xuân An, UBND phường cũng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Đất đai qua đó có nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến các nội dung như: quy định về bảng giá đất, công tác thu hồi đất và chính sách bồi thường tái định cư, hạn mức chuyển nhượng sử dụng đất trồng lúa hay như thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai, công tác quản lý đất đai, đất lấn biển.v.v..

Hình: UBND phường Xuân An tổ chức lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

 

Ngày 06/01/2023, Văn phòng Quốc hội công bố Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nghị quyết nêu rõ, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chính phủ chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Mục đích của việc tổ chức lấy kiến Nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tạo sự thống nhất và đồng thuận của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo Nghị quyết, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm. Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân với các hình thức thích hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý. Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân phải bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ của các cấp chính quyền; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức.

 

Hồng Tú

Hồng Tú
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập