SĂN MẶT TRỜI MÙA ĐÔNG Ở BIỂN PHAN THIẾT
Một ngày cuối năm, khi tiết trời đang chuyển đông, bọn tôi hú nhau đi
tìm cái man mát, se se lạnh, trải nghiệm săn mặt trời mùa đông ở biển Phan Thiết.
2 giờ ở bãi biển Đồi Dương
Đi trong đêm, nên hơn 4 giờ
sáng đã có mặt tại bãi biển Đồi Dương. Ở đây, vào giờ này mọi thứ không ngủ yên
như ở Sài phố, ngoại trừ người dân lao động, buôn bán, mà đã từng tốp người đó
đây xe đạp, xe máy tấp vào lề đường khu bãi tắm Đồi Dương. Thay vì, dựng lều trại
như ở Đà Lạt mọi khi để săn mây, bọn tôi hối nhau dựng chân máy, canh góc máy
chuẩn bị cho cuộc săn…mặt trời mọc trên biển mùa đông.
Cái lạnh buổi sớm mai ở biển
Phan Thiết không sắt se như phố núi mà rất ư là dễ chịu. Lành lạnh của tiết trời,
âm ấm của hơi nước, rồi cái rin rít, cái hương vị tanh tanh nồng nồng sau cái vỗ
ầm của sóng biển đã không cưỡng được bước chân nhóm người cùng sở thích bọn tôi.
Săn mặt trời
Xong phần chuẩn bị, cả nhóm
ùa nhau xuống nước. Những bước chân đầu tiên chạm nước đã chựng lại và đồng
thanh “Wow!!! Lạnh!!!”. Tôi – người con xứ biển, có chút kinh nghiệm đi “ngâm”
biển mùa đông giục nhóm bạn ra khoảng nước ngập đầu gối sẽ có cảm nhận khác. Từng
bước chẫm rải, thăm dò và cả nhóm đã…ngâm mình, ngụp lặn, té nước trong biển ấm
đến khi mặt trời hé mắt.
Vừa tung người lên khỏi mặt
nước, bị cái lạnh vây quanh, mọi người lại nhúng mình xuống nước… Rồi cũng lấy
can đảm chạy lúp xúp lên bờ, choàng khăn…săn mặt trời. Những bức ảnh nghiệp dư,
chụp vì đam mê từ những chiếc Táo thông minh có lẽ sẽ không đẹp như thợ săn
chuyên nghiệp với dàn máy ống này ống nọ, nhưng đó là kỷ niệm đầu tiên của cả
nhóm trong chuyến về biển Phan Thiết săn mặt trời mùa đông trong những ngày cuối
năm 2022.
Khi đã no nê hình ảnh thì
cũng đến lúc khô người, cả nhóm lại tiếp tục tung tăng tung tẻ khăn choàng với
nón lá xuống lội nước và làm cho mình bộ album “cúng phây bút”. Mặt trời dần
lên cao, bên kia đường, quán cà phê cũng văng vẳng “…nhưng nay mùa Noel đến rồi…”
bên này, cả bọn cũng lui cui thu dọn hiện trường, tìm nơi tắm nước ngọt, lên đồ
chuẩn bị cho hành trình checkin điểm ăn, chơi của thành phố Phan Thiết.
Ăn Bún bò dơ; uống cà phê
không tên
Nếu không có người địa
phương tháp tùng chuyến đi thì có lẽ bọn tôi đã không bước vào quán điểm tâm
này, bởi cái tên quán do mạng xã hội mặc định lâu nay đã làm chùn bước bao du
khách khi đến tham quan Phan Thiết.
Chọn bàn sát bên anh “ôm bếp”.
Chúng tôi quan sát kỹ trên bàn đã sẵn chai dấm, tăm, ống đũa; rồi từ khâu đem
rau răm-quế, ớt trái ra bàn; đến chị cho bún vào tô, chuyển qua anh “tạt” nước-thịt,
cho xíu ớt bột, bưng ra bàn cho khách là một quy trình khép kín với tô bún nóng
hổi vừa thổi vừa ăn. Cái thơm phức của nước bò ít gia vị, cái sừn sựt của gân,
cái mềm nhẹ của thịt bò nhai nhẹ tênh trong khoang miệng. Cái hương của rau răm,
cái cay cay của ớt sim xanh hòa quyện đã phần nào quyết định cái tuyệt có một
không hai của tô bún bò dơ Phan Thiết…
Khi đã yên vị trên xe để di
chuyển về quán cà phê nơi góc phố - nói là góc phố nhưng thật ra đó là ngã Bảy
– khu vực trung tâm của thành phố Phan Thiết, mọi người đều cùng tâm tư “ủa,
sao gọi đó là bún bò dơ, dơ ở đâu không thấy chứ bọn mình ai cũng được chứng kiến
ổn mà, đúng không?”. Tôi bâng quơ “nó dơ ở chỗ cái anh tạt nước lèo không gọn
gàng, làm tèm lem cái tô, nên…dơ. Chứ ngày xưa, thời ba của anh tạt nước lèo
còn sống thì dân Phan Thiết gọi là bún ông già. Rồi hổng biết du-túp-bơ nào đặt
tên dơ nên đến giờ quán vẫn tiếp tục ăn nên làm ra với cái tên đó”. Một trận cười
rần trên xe.
Chọn một quán cà phê không
tên ngay trung tâm thành phố. Cô chủ quán tươi cười, rất gần gũi bưng ra cho
nhóm bình trà nóng với vài cái ly thủy tinh. Gói gọn ly trà ấm, thơm lừng trong
tay, ngắm dòng người xuôi ngược buổi sớm mai ở phố biển, hương cà phê nhè nhẹ quyện
trong không khí, rồi “nàng như một đóa hồng phai…” nho nhỏ phát ra từ chiếc
tivi…bỗng chốc thấy một Phan Thiết yên bình, mọi việc cứ từ từ diễn ra không hối
hả như Sài Gòn. Cả nhóm vừa nhấm nháp cà phê, vừa cười đùa, vừa chém gió “Ở
thành phố lớn, đi ăn đi uống thì chạy xe cả tiếng chưa kể gặp mưa to thì ngập
đường. Ngồi cà phê thì ngắm dòng người kẹt xe. Ở thành phố nhỏ, nếu ở trung tâm
thành phố chạy 5 phút có đầy quán ăn quán cà phê quán nhậu, 5 phút đã thấy biển,
5 phút thấy công viên…”; “khu dzui chơi giải trí cho tụi mình ở đâu”; “khu Nova
xa quá:; “dề Phan Thiết là chỉ tắm biển, ăn hải sản là lại dốn ồi, chơi thì dề
Sài Gòn mà chơi cho cháy túi…”. Vừa xong ly cà phê cũng hơn 9 giờ, nắng vàng
cũng giăng kín lối. Do chuyến đi chỉ với mục đích là săn mặt trời, tắm biển,
thưởng thức vài món ngon ở Phan Thiết rồi về. Cũng đã hả hê với những bộ ảnh
trên biển, cũng được thưởng thức món bún bò dơ, cũng được ly cà phê ngon trong
phố, nên cả nhóm bàn nhau “trở lại” một vài điểm tham quan của Phan Thiết.
“Mở hàng” Vạn Thủy Tú
9 giờ 35 phút. Đổ xe ở bãi. Chúng
tôi tiến về phía cổng Vạn và dừng lại làm vài bức ảnh. Trong khuôn viên sân Vạn,
lúc này có nhóm trẻ nhiều độ tuổi thuộc Câu lạc bộ MC Nhà Thiếu nhi Bình Thuận
đang thay nhau thuyết minh ngay khu vực Bia tóm tắt lịch sử hình thành Vạn Thủy
Tú. Chúng tôi cũng hòa vào đó, để nghe các em bằng những chất giọng trẻ thơ,
non nớt giới thiệu lược sử lâu đời của một Di tích được công nhận cấp Quốc gia.
Cùng CLB MC tham quan Vạn Thủy Tú
Bỗng dưng chúng tôi bị cuốn
bởi giọng nói, cách diễn đạt, từ ánh mắt cho đến cách hướng ánh nhìn của du
khách vào hiện vật của cô bé MC Minh Anh, học sinh lớp 4 trường Tiểu học Bình
Hưng… Thế là cả nhóm đã hòa vào dòng trẻ CLB MC để cùng tiến vào khu trưng bày
Bộ cốt Ông Nam Hải. Đây là điểm đến có thuyết minh, thế nhưng, chúng tôi xin được
theo chân các em CLB MC để nghe các em thuyết trình về Bộ cốt Ông. Các em, với
mỗi cách trình bày khác nhau nhưng cũng tóm tắt được “bộ cốt Ông dài 22m, với
chiều dài này thì Ông nặng khoảng 65 tấn, có 62 đốt sống lưng, 24 đốt xương
vây…”. Cũng đặc biệt, cô bé Minh Anh, đã cung cấp gần như đầy đủ thông tin về
Ông Nam Hải với tên khoa học là Cá voi lưng xám, giới thiệu cả Thánh địa Ngọc
Lân Tôn Thần (nơi chôn khi Ông lụy). Một người trong nhóm chúng tôi tò mò vì
sao bé con mới lớp 4 mà vanh vách không hề ờ à trong phần thuyết trình của
mình. Bé Minh Anh cho biết “Con thích làm MC và con thích di tích lịch sử-văn
hóa này, vì đây là niềm tự hào của quê hương con nên trong thời gian tham gia
CLB MC con đến đây cũng gần chục lần. Mỗi lần con đến đều được cô quản lý hướng
dẫn rất tận tình từ bài thuyết trình, giọng nói, cử chỉ, cách đứng, đi lại, ánh
mắt giao lưu với du khách…nên con mới đủ tự tin trước bạn bè con, các cô chú
như hôm nay”. Bao ánh nhìn dồn vào một người đặc biệt và một tràng vỗ tay thật
lớn như lời cảm ơn, khích lệ tinh thần cho bé Minh Anh – một MC chuyên nghiệp
trong tương lai của Phan Thiết.
Sau một hồi trò chuyện, tiếp
cận gần như đầy đủ thông tin Bộ cốt Ông Nam Hải từ một hướng dẫn viên tại điểm,
chúng tôi bước qua tham quan khu vực điện thờ Thần Nam Hải, nơi tín ngưỡng của
bà con làm nghề biển.
Một bàn trà đạo ngay nhà Võ
ca, nơi để hát bội mỗi khi có lễ tế. Do bọn tôi là người quen, nên các chú Ban
quản lý mời chúng tôi “trà đạo”. Như được lộc, cả nhóm sà xuống, vừa được trà vừa
được chuyện. Chúng tôi như được dẫn dắt vào truyền thuyết của ngư dân ngũ Quảng
từ thời lập Vạn 1762 đến nay. Tính từ thời điểm đó đến nay cũng gần 260 năm, thế
nhưng hầu như mọi thứ ở đây được bảo quản nguyên vẹn, không chỉ hàng trăm bộ cốt
Ông mà các sắc phong của các triều vua chỉ ngã màu.
Năm 1996 Dinh Vạn Thủy Tú đã
được Bộ Văn hóa công nhận Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia. Mãi cho đến gần
cuối năm 2002 mới tiến hành phục dựng Bộ cốt Ông và tháng 5/2003 công trình
hoàn thành đưa vào phục vụ du khách. Đây là Bộ cốt Ông lớn nhất không chỉ ở Việt
Nam mà cả vùng Đông Nam Á.
Những câu chuyện Ông tựa vào
mạn thuyền cứu ngư dân thoát nạn trong cơn bão giông, sóng dữ, rồi các nghi thức
lễ đưa Ông vào mai táng khi Ông lụy, lễ cải táng, lệ hát bội thường niên…đặc biệt
là Lệ cầu ngư truyền thống diễn ra vào tháng 6 âm lịch hàng năm, Ban tế tự tổ
chức ra cửa biển rước Ngài vào… Các chú còn cho bọn tôi biết thêm, nếu không có
gì thay đổi thì năm 2023, năm Du lịch quốc gia, thành phố Phan Thiết sẽ tổ chức
canavan Lễ hội cầu ngư với phần lễ và phần hội hết sức hoành tráng và sẽ diễn
ra trong 3 ngày. Bọn tôi nhìn nhau, thầm cho nhau một cái hẹn. Mùa này lẽ ra sẽ
tấp nập tour của Pegas, Aness nhưng nơi đây vắng lặng như một bức tranh, bởi thế
chúng tôi mới dùng từ “mở hàng” và đã may mắn được các chú dành cho thời gian dẫn
chúng tôi vào những câu chuyện kỳ tích của cá Ông và ngư dân các vạn chài. Nắng
của 11g cũng gần đứng bóng, chúng tôi như bước ra từ truyền thuyết, hối nhau chụp
những bức ảnh kỷ niệm chuyến trải nghiệm đầy ý nghĩa này.
Phan Thiết đang trở gió. Một
vài ý tưởng ra Đồi cát săn…cát bay. Mấy cô nàng trong nhóm ngại nắng thế này ra
Đồi cát “vì đam mê” hồi về Sài Gòn thành tôm luộc hết, thế nên chuyển hướng chạy
một vòng ngắm biển Mũi Né. Biển trời từ bãi Rạng ra Mũi Né, Hòn Rơm, Hòn Rùa vẫn
đẹp như xưa nhưng không còn cảnh kẹt xe mỗi cuối tuần, không còn dòng người tấp
nập lên xuống xe, ra vào các khu nghỉ dưỡng. Vẫn tíu ta tíu tít chụp cho nhau
những bức ảnh đẹp ở biển, vẫn đu trend mùa hoa tràm đường Võ Nguyên Giáp, bò cạp
vàng ở bờ kè Phạm Văn Đồng…nhưng trong chúng tôi ai ai cũng lan man một chút buồn
trên đường về.
Đến Kim Anh quán dùng cơm
trưa cũng gần 2 giờ chiều. Một bữa ăn trưa ngon, với canh chua cá bớp, cá thu
chiên xốt cà, tôm ram, mực xào chua, ai cũng được bữa no nê căng bụng. Khi căng
da bụng thì chùng da mắt, trời thì nắng dù nắng mùa đông không gắt như nắng hè nhưng
cơn buồn ngủ đã ập đến do đêm qua cả xe không cho phép ai được ngủ, nên thôi
đành chìu chuộng bản thân, cho phép nhau lên xe ngủ và về lại Sài Gòn. Có người
tiếc nuối, sao đi Phan Thiết có nhiêu mà về, một bạn trong nhóm cũng đã yên vị
trên ghế của mình cất giọng ngạo nghễ “vậy thì rẽ vào thiên đường Nova đi”, “ta
đã đủ bộ hình cúng phây bút rồi, về thôi”, rồi cũng mỗi người chêm câu “khi nào
xong cao tốc đi tiếp”, “đi với mấy bà chế này toàn ngủ”, “đi du lịch gì mà ngủ
cho hết thanh xuân luôn bây”, “kế hoạch là rủ nhau đi săn mặt trời mọc, giờ được
mặt trời, được Hòn Rùa, được hoa tràm, được cả cái lịch sử Vạn Thủy Tú thì lời
quá rồi, dề thôi…”
Thế rồi, ngày rong ruổi trải
nghiệm tùy hứng ở Phan Thiết cũng đến lúc chia tay. Bọn bạn về lại thành phố,
tôi người ở lại với nỗi niềm trăn trở mà các bạn đã tán nhau trong bữa cơm. Thành
phố du lịch vẫn còn rác thải, vẫn còn nước ứ đọng ở nhiều ngã đường; khu di
tích nhìn hoang sơ, đìu hiu; thiếu nhà vệ sinh ở khu tham quan; bãi biển Đồi
Dương quá đẹp nhưng phải đầu tư thêm nhiều sắc màu cho đẹp và vui mắt hơn vì giờ
nhu cầu du lịch là đẹp, độc, lạ để chụp hình khoe bạn bè…năm sau là năm du lịch
quốc gia mà cứ để vậy tiếc quá. Nhiều nơi người ta tự làm, tự tạo ra môi trường,
cảnh quan để thu hút du khách, Phan Thiết được thiên nhiên ưu đãi mà nhiều nơi
còn bỏ không hoặc đầu tư không đến nơi phí thiệt…
Các bạn có biết đâu rằng sau
2 năm đại dịch, tỉnh cũng như thành phố
Phan Thiết đã rất nhiều nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động kích cầu để vực dậy,
khôi phục lại ngành công nghiệp không khói hoạt động mạnh mẽ như những năm 2019
trở về trước nhưng mọi thay đổi để trở về quỹ đạo và phát triển mạnh hơn vẫn
còn ở phía trước. Đến lúc ấy, các bạn về Phan Thiết không chỉ săn mặt trời, mà
sẽ nhiều món săn đón đợi các bạn trong những tour chào.
Năm 2023, năm du lịch Quốc
gia – Bình Thuận – Hội tụ xanh với nhiều sự kiện văn hóa, kinh tế tiêu biểu
mang tầm quốc gia, quốc tế nhằm thông qua đó giới thiệu, quảng bá các giá trị
văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên, sản phẩm du lịch đặc sắc của Bình Thuận
thu hút du khách đến với Việt Nam sau đại dịch, đồng thời tạo ra sự đột phá về
phát triển du lịch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho những năm
tiếp theo. Đặc biệt, trong sự kiện văn hóa – kinh tế - xã hội năm 2023 sẽ đưa
khu du lịch quốc gia Mũi Né, Đảo Phú Quý lên một tầm cao mới để thu hút nguồn lực
đầu tư phát triển du lịch, thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết phát triển du lịch giữa
các địa phương trên cả nước và các quốc gia trên thế giới nhằm thúc đẩy hội nhập
quốc tế, tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ các nguồn lực để phát triển du lịch, Để
Mũi Né - Phan Thiết - Bình Thuận xứng đáng là một điểm đến ấn tượng, nâng cao vị
thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam vực dậy mạnh mẽ sau đại dịch để xây
dựng và phát triển đất nước.
Nguyễn Lê