image banner
Phỏng vấn Chủ tịch UBND TP Phan Thiết Phan Nguyễn Hoàng Tân

Chuyển đổi số được xem là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Và từ năm 2022, ngày 10/10 hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lựa chọn là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Tại TP Phan Thiết, địa phương cũng đang tích cực triển khai thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực hành chính công để qua đó tận dụng các cơ hội và góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, đưa Phan Thiết ngày một hội nhập và phát triển. Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Hồng Tú – Đài truyền thanh Phan Thiết đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Nguyễn Hoàng Tân – Phó bí thư Thành uỷ - Chủ tịch UBND TP Phan Thiết.

anh tin bai

PV: Thưa ông, thời gian qua công cuộc chuyển đổi số đã và đang được TP Phan Thiết triển khai thực hiện như thế nào và kết quả đạt được bước đầu đó là gì?

- Ông Phan Nguyễn Hoàng Tân  - Chủ tịch UBND TP Phan Thiết: 

Hưởng ứng Ngày chuyển đổi số của Quốc gia, tỉnh Bình Thuận cũng lựa chọn ngày 10/10 hàng năm làm Ngày chuyển Đổi số Bình Thuận theo Quyết định số 1902/QĐ-UBND ngày 14/9/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh. Thành phố Phan Thiết đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện. Xác định chuyển đổi số là một trong những đột phá nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH: Thực hiện chính quyền số, kinh tế số, xã hội số phục vụ chuyển đổi số; trong đó, tập trung phát triển, hoàn thiện chính quyền số thành phố lấy người dân làm trung tâm phục vụ mà hành chính công là lĩnh vực được tích cực đẩy mạnh, nâng cao và đạt nhiều kết quả tốt.

Thành phố đã ưu tiên đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, phát triển các hệ thống thông tin, nền tảng số, cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành để tạo nền tảng xây dựng chính quyền số góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn thành phố. Quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh Cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng việc xây dựng và phát triển chính quyền số; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp lãnh đạo thành phố, các cơ quan, đơn vị và các địa phương đã tích cực tập trung rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); đẩy mạnh giải quyết hồ sơ TTHC; tăng cường số hóa kết quả giải quyết hồ sơ, giấy tờ; chú trọng nâng cao hiệu quả thực hiện các dịch vụ công. 

Thành phố đang tiếp tục duy trì và phát triển Trung tâm Điều hành đô thị thông minh thành phố vào phục công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố. Xây dựng hệ thống thông tin theo dõi tiến độ công việc (phần mềm theo dõi công việc) để kiểm tra, đánh giá tiến độ hoàn thành, chất lượng, kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương; qua đó, giúp lãnh đạo thành phố kịp thời đưa ra các biện pháp, giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, góp phần cải tiến lề lối chất lượng làm việc của cán bộ, công chức. Hiện nay, thành phố có 130 TTHC được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Bình Thuận; có 84 TTHC toàn trình, 46 TTHC một phần. Có 14/84 TTHC được tích hợp trên cổng Dịch vụ công quốc gia.  Qua kết quả đánh giá sự hài lòng đối với việc giải quyết hồ sơ của thành phố trong năm 2023 đạt tỷ lệ hài lòng khá cao trên tổng số hồ sơ đánh giá của tổ chức, công dân.

 

 PV: Triển khai thực hiện chuyển đổi số, Phan Thiết cũng đã đưa vào vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh. Trong đó, thông qua kênh thông tin Phan Thiết S đã kịp thời phản ánh hiện trường để ghi nhận những vấn đề phát sinh từ cơ sở. Vậy, các ý kiến, kiến nghị, phản ánh đã được thành phố Phan Thiết chỉ đạo giải quyết như thế nào và kết quả đạt được ra sao?

- Ông Phan Nguyễn Hoàng Tân  - Chủ tịch UBND TP Phan Thiết:  Trong thời gian qua, từ lúc đưa vào vận hành thì Trung tâm điều hành đô thị thông minh mà cụ thể là Phan Thiết S đã hỗ trợ cho thành phố rất là nhiều trong vấn đề nắm bắt thông tin, nắm bắt những kiến nghị, nguyện vọng cũng như tâm tư của người dân và doanh nghiệp. Thông qua những phản ánh của người dân và doanh nghiệp đã giúp cho chính quyền thành phố phát hiện và xử lý nhiều vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở; qua đó, chính quyền thành phố cũng đã có chỉ đạo rất là kịp thời nhờ hệ thống Phan Thiết S này. Trước đây thay vì người dân phải đến trực tiếp tại các cơ quan công quyền hoặc là thông qua các văn bản thì nay có hệ thống này thì thành phố chỉ đạo xử lý kịp thời và có báo cáo kết quả giải quyết trong vòng 8 tiếng. Với việc chỉ đạo xử lý giải quyết ngay cũng đã phần nào  đáp ứng được nhu cầu cũng như là nguyện vọng của bà con, của doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân về các vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, rác thải, về quản lý đô thị nói chung. Kết quả khảo sát thông qua các ý kiến phản ánh cũng cho thấy, đa phần người dân rất hài lòng với kết quả chỉ đạo xử lý các kiến nghị, phản ánh.

 

 PV: Chuyển đổi số được xem là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Vậy thì TP Phan Thiết cần làm gì để đưa chính quyền số - một trong 3 trụ cột của chuyển đổi số cùng với xã hội số và kinh tế số ngày một phát huy hiệu quả?

- Ông Phan Nguyễn Hoàng Tân  - Chủ tịch UBND TP Phan Thiết:  Thành phố Phan Thiết xác định chính quyền số là một trong 3 trụ cột ưu tiên cần tập trung xây dựng, hoàn thiện và phát triển. Theo đó, xác định các nhiệm vụ trọng tâm phải đạt được như sau:

- Đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, quản lý của lãnh đạo; bộ máy chính quyền phải nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; thực sự linh hoạt, thích nghi, đổi mới, sáng tạo phụ vụ chính quyền số.

- Tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ theo hướng tích hợp chia sẻ, dùng chung dữ liệu và tài khoản, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng dịch vụ; phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông để phủ sóng thông tin di động nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp kết nối internet sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

- Tiếp tục đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong quá trình chuyển đổi số; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, khuyến khích đổi mới, sáng tạo; thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào thành phố. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

- Chuyển đổi nhận thức của người dân tham gia thực hiện chính quyền số: Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

 

 PV: Thực hiện chuyển đổi số cũng nhằm mục đích mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Vậy thì vai trò của người dân trong công cuộc chuyển đổi số sẽ có đóng góp như thế nào để góp phần cùng TP xây dựng và hoàn thiện các mục tiêu đã đặt ra?

- Ông Phan Nguyễn Hoàng Tân  - Chủ tịch UBND TP Phan Thiết:  Để đạt hiệu quả và thiết thực, bên cạnh sự quyết liệt, đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin.v.v thì nhân tố quyết định đó vẫn là người dân. Hiện, rất nhiều thủ tục đã được cung cấp ở mức độ toàn trình, với quy trình nội bộ, quy trình điện tử được đơn giản và chuẩn hóa nhưng số lượng hồ sơ phát sinh nộp trực tuyến vẫn chưa nhiều. Nguyên dân là do nhận thức, thói quen và nhu cầu của người dân còn hạn chế.

Để góp phần trong chuyển đổi số của địa phương thành công, người dân cần tăng cường tham gia đóng góp ý tưởng, ý kiến và thực hiện thủ tục hành chính thông qua hệ thống dịch vụ công một cách hiệu quả. Góp phần hạn chế thời gian đi lại, cũng như theo dõi kết quả trực tiếp trên hệ thống giải quyết thủ tục hồ sơ.

Đối với chính quyền địa phương và các phòng chuyên môn: tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân nhận thức và hiểu rõ hiệu quả tích cực trong việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trên thiết bị thông minh vào công cuộc phát triển chung của toàn thành phố.

 PV: Vâng, xin chân thành cảm ơn.

 

Phóng viên Hồng Tú thực hiện.

Hồng tú - DPT
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập