Trên cơ sở các kế hoạch, UBND thành phố Phan Thiết đã
kịp thời ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện tốt công tác chuyển đổi
số trên địa bàn. Trong năm 2023, thành phố xếp ở vị trí thứ 2/10 huyện, thị xã,
thành phố. 100% cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai, sử dụng hiệu quả phần mềm
quản lý văn bản và điều hành. Trang thiết bị tại Bộ phận một cửa được khai
thác, sử dụng ổn định, đạt hiệu quả cao.
Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết Phan Nguyễn Hoàng Tân kiểm
tra hệ thống IOC thành phố
Trung tâm điều hành Đô thị thông minh (IOC) là kết quả
của sự quyết tâm của thành phố Phan Thiết trong việc thực hiện Nghị quyết số 10
Tỉnh ủy Bình Thuận về chuyển đổi số nhằm hiện thực hóa mục tiêu là địa phương
trọng điểm, hình mẫu thực hiện công cuộc chuyển đổi số của tỉnh. Trung tâm điều
hành đô thị thông minh đến thời điểm hiện nay đã triển khai thí điểm với 9 phân
hệ gồm: Phân hệ Phản ánh hiện trường, phân hệ Giám sát vi phạm an toàn giao
thông, phân hệ Giám sát an ninh trật tự, phân hệ Giám sát thông tin báo chí và
truyền thông trên không gian mạng, phân hệ Báo cáo kinh tế - xã hội, phân hệ
Giám sát, điều hành lĩnh vực Y tế, phân hệ Giám sát, điều hành lĩnh vực Giáo dục,
phân hệ Giám sát Hành chính công, phân hệ Du lịch thông minh. Trung tâm Điều
hành thông minh được cải tạo, lắp đặt trang thiết bị, thực hiện việc kết nối
các camera PTZ tầm cao và các camera an ninh phường, xã về Trung tâm IOC. Trong
giai đoạn thí điểm, Viettel Bình Thuận đã hoàn chỉnh nền tảng đô thị thông
minh, cho phép các dịch vụ, phần mềm trong hệ thống có thể kết nối, chia sẻ dữ
liệu nghiệp vụ với nhau. IOC đã cung cấp thông tin trực quan về các vấn đề liên
quan để hỗ trợ cho các cơ quan chức năng, chính quyền đô thị trong hoạt động quản
lý, kiểm soát, nắm bắt thông tin hiện trường để trực tiếp chỉ đạo. Đây cũng là
bước đột phá nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước, tạo
điều kiện để người dân được cung cấp và phục vụ các dịch vụ tiện ích nhất, giảm
chi phí và phiền hà; huy động được mọi nguồn lực đóng góp cho kinh tế - xã hội
thành phố Phan Thiết phát triển nhanh và bền vững hơn. Thành phố sẽ tiếp tục đảm
bảo vận hành ổn định và phát triển trung tâm IOC trong thời gian tới.
Các trang thông tin điện tử tại các xã, phường trên địa
bàn thành phố Phan Thiết cũng hoạt động tốt, qua đó cung cấp, phổ biến thông
tin thiết yếu và tương tác giữa chính quyền cơ sở với người dân. UBND các phường,
xã đã thành lập Bộ phận biên tập trang thông tin điện tử là cán bộ, công chức
văn hóa xã hội kiêm nhiệm, có nhiệm vụ tổ chức, biên tập, kiểm duyệt, thẩm định
nội dung thông tin theo chức năng. Nội dung sau khi kiểm duyệt sẽ được đăng tải
trên Trang thông tin điện tử nhằm đảm bảo cho việc cung cấp và cập nhật thông
tin được kịp thời, chính xác, hiệu quả và thường xuyên theo quy định.
Việc bàn giao trang Thông tin này nằm trong mục tiêu
phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại, đồng bộ và thống nhất từ tỉnh đến
cấp huyện, cấp xã trong một hệ sinh thái thông tin đa ngành, đa lĩnh vực, tương
tác và phản ánh nhanh nhạy trước những tác động của đời sống kinh tế - xã hội,
góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ đất nước. Nội dung đăng
tải trên các trang thông tin điện tử bám sát Nghị định số 42 ngày 24/6/2022 của
Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ
quan nhà nước trên môi trường mạng; tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng,
chính sách pháp luật của Nhà nước.
Ghi nhận những nỗ lực của thành phố Phan Thiết trong cải
cách hành chính gắn với chuyển đổi số, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng đề nghị
cấp ủy, chính quyền cần phát huy, nâng cao vai trò người đứng đầu trong công
tác chỉ đạo, triển khai đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ về nâng cao năng lực cạnh
tranh, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và cải thiện các chỉ số PAR
Index, SIPAS, PAPI, PCI; đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách thủ tục hành
chính và triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số trong hoạt động cơ quan nhà
nước tại địa phương; khắc phục ngay tình trạng hồ sơ trễ hẹn trên các lĩnh vực,
nhất là lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền tham mưu giải quyền của địa phương; đảm
bảo tối thiểu 50% số hồ sơ được giải quyết trực tuyến; giải quyết hồ sơ đúng hẹn
đạt tỷ lệ 98% trở lên; chỉ tiêu số hóa thành phần hồ sơ đầu vào và kết quả giải
quyết thủ tục hành chính đảm bảo tối thiểu đạt 80%. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề
nghị UBND thành phố định kỳ hàng tuần theo dõi tình hình, kết quả để chỉ đạo thực
hiện; khi phát sinh hồ sơ trễ hẹn phải thực hiện đúng quy định việc xin lỗi; đồng
thời phân tích rõ nguyên nhân, xác định cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị, cá
nhân để đề ra giải pháp khắc phục.
Chuyển đổi số là xu thế và yêu cầu tất yếu trong bối cảnh
hiện nay, tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội
và mở ra nhiều cơ hội điều kiện để các địa phương bức phá vươn lên. Thành phố
Phan Thiết đang nỗ lực và thể hiện quyết tâm trong triển khai nhiệm vụ đột phá
này nhằm hướng đến chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng phục vụ người dân,
doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Phan Thiết
xứng tầm là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - khoa học kỹ thuật, là
thành phố động lực phát triển của tỉnh.
Thanh Minh