Quản lý mã vùng trồng sầu riêng để phát triển bền vững
Lượt xem: 4450


(binhthuan.gov.vn) Sầu riêng là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao được nông dân tại các địa phương trong tỉnh như Hàm Thuận Bắc, Đức Linh và Tánh Linh phát triển trồng. Từ tháng 7/2022, Bình Thuận có 2 trong 51 mã số vùng trồng sầu riêng trong đợt đầu tiên của Việt Nam được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch, điều này đã mở ra cơ hội mới cho các hợp tác xã xuất khẩu quả sầu riêng của tỉnh sang thị trường Trung Quốc trong thời gian đến.

Theo Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, mặc dù không phải là thủ phủ trồng sầu riêng, nhưng trong những năm gần dây, cây sầu riêng được trồng ở nhiều nơi trong tỉnh, mang lại lợi nhuận tương đối ổn định cho người trồng. Diện tích trồng sầu riêng toàn tỉnh khoảng 2.400 ha với 10 giống sầu riêng như Sáu Hữu, Ri 6 và một số giống của Thái Lan như Monthong…, được trồng tập trung ở 3 huyện: Hàm Thuận Bắc, Đức Linh và Tánh Linh. Trong đó, có 1.800 ha đang trong thời kỳ kinh doanh với năng suất bình quân 10-25 tấn/ha, sản lượng thu hoạch khoảng 40.000 tấn mỗi năm.

Không phải ngẫu nhiên mà Bình Thuận có 2 trong 51 mã số vùng trồng sầu riêng trong đợt đầu tiên của Việt Nam được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch, mà là quá trình các hợp tác xã đã dày công nỗ lực xây dựng, chú trọng đến chất lượng nông sản cũng như an toàn thực phẩm để chinh phục khách hàng trong nước và xuất khẩu.

Là một trong tổng số 33,5 hecta của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đa Mi được Trung Quốc cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch bắt đầu từ tháng 7/2022, vườn sầu riêng 5 hecta với 400 cây Monthong và 500 cây Ri 6 của ông Trịnh Văn Chất - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Đa Mi đang ở thời kỳ kinh doanh năm thứ bảy và năm thứ 11. Mùa vụ năm 2022, vườn sầu riêng của ông Chất đạt năng suất dao động từ 20 đến 25 tấn 1 hecta tùy loại giống. Không chỉ có năng suất tốt mà chất lượng sầu riêng thơm ngon, dẻo, ngọt và có màu vàng đẹp được một số doanh nghiệp xuất khẩu trái cây ở miền tây đặt hàng thu mua từ lúc cây đơm hoa kết trái. Bí quyết mà ông Chất sản xuất ra sầu riêng ngon là canh tác hữu cơ, mục tiêu hướng đến xuất khẩu bền vững.

Ông Trịnh Văn Chất cho biết khi chăm sóc hàm lượng phân hữu cơ cao thì độ cây sẽ bền và trái sẽ đẹp, đạt chất lượng cao, do đó sầu riêng khi thu hoạch được nhiều thương lái săn đón thu mua.

Theo bà Huỳnh Thị Thanh Xuân, đại diện Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đa Mi, những năm qua, các xã viên bán trái sầu riêng tươi cho thương lái tự do, việc sản xuất và tiêu thụ phụ thuộc rất nhiều vào thương lái. Tháng 11 vừa qua, hợp tác xã đã được cấp mã số vùng trồng cho diện tích 33,5 ha. Các thành viên hợp tác xã đều rất phấn khởi vì sau khi được công bố mã số thì tình hình sản xuất và tiêu thụ có hướng tốt hơn. Nhiều doanh nghiệp thu mua và thương lái biết đến hợp tác xã và liên hệ hợp tác. Hiện nay, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đa Mi đã thỏa thuận, đàm phán với một doanh nghiệp và đi đến thống nhất việc doanh nghiệp sẽ đầu tư sản xuất từ quy trình sản xuất đến bao tiêu sản phẩm với mức giá cao hơn thị trường tự do từ 3 đến 5 nghìn đồng/kg.

Tại xã Đa Kai, huyện Đức Linh có diện tích tự nhiên 8.578 ha, diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 8.206 ha, trong đó đất trồng cây lâu năm 4.700 ha chiếm 55% trên tổng diện tích đất tự nhiên, nông dân trong xã chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp là chính. Hiện nay tại thôn 10 xã Đa Kai có khoảng 850 ha diện tích trồng sầu riêng, khoảng 16.000 tấn/ năm.

Đại diện Hợp tác xã sầu riêng Rô Mô tại xã Đa Kai, huyện Đức Linh cho biết, ban đầu người dân trồng sâu riêng quy mô nhỏ để thử nghiệm, qua quá trình canh tác thấy hiệu quả kinh tế cao, từ đó bà con dần chuyển đổi sang cây sầu riêng.

Năm 2017, Hợp tác xã sầu riêng Rô Mô thành lập và hiện có 24 thành viên tham gia với diện tích 150 ha, sản phẩm sầu riêng được chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thương hiệu nông sản của địa phương và mở rộng thị trường tiêu thụ, đáp ứng các điều kiện để phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới, hợp tác xã đã triển khai đăng ký làm mã số vùng trồng cho diện tích của xã viên, hiện hồ sơ đang trong quá trình hoàn thiện để chuyển Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh xem xét.

Việc Trung Quốc phê duyệt 2 mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường này đã mở ra một hướng đi tích cực cho sầu riêng Bình Thuận. Tuy nhiên, theo quy định thì mã số vùng trồng này sẽ có hiệu lực theo từng mùa vụ của mỗi năm, đồng nghĩa với việc phải duy trì thực hiện việc gia hạn hàng năm, đồng thời thường xuyên cập nhật “nhật ký sản xuất” để nước nhập khẩu thực hiện truy suất nguồn gốc khi cần. Điều đó cho thấy, thị trường Trung Quốc đã không còn dễ tính như trước, muốn sầu riêng xuất khẩu vào thị trường này không con đường nào khác là phải thực hiện các yêu cầu quy định đề ra.

Theo Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Bình Thuận, mặc dù Chi cục đã có các văn bản phối hợp thực hiện quy định về dẫn thiết lập mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói gửi về địa phương, tuy nhiên hiện nay các địa phương chưa thật sự triển khai, phối hợp hiệu quả. Đặc biệt các xã có mã số vùng trồng mặc dù đã được hướng dẫn nhưng vẫn chưa chủ động trong việc thực hiện đề nghị giám sát. Bên cạnh đó, vùng trồng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, trồng xen nhiều loại cây trồng gây khó khăn trong công tác quản lý dịch hại, không áp dụng đồng nhất các quy trình kỹ thuật, ảnh hướng đến chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu.

Để tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ thực hiện các thông báo, hướng dẫn về quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh. Về phía UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan cần tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đăng ký cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói.

Riêng đối với vùng trồng và cơ sở đóng gói, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật khuyến cáo cần phải tuân thủ quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng và cơ sở đóng; trình tự hồ sơ, thủ tục xin cấp mã số theo hướng dẫn và các điều kiện duy trì, các trường hợp thu hồi và hủy mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói theo TCCS 774:2020/BVTV và TCCS 775:2020/BVTV.

Để cấp mã số vùng trồng là không dễ, mà tiếp tục duy trì mã số vùng trồng lại càng khó hơn. Ngay lúc này, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đồng hành cùng nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu để cùng nhau bảo vệ những thành quả đã đạt được và tiếp tục phát triển sản xuất sầu riêng hiệu quả cao, bền vững trong thời gian tới.

TT Dân

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1