Cần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp
Lượt xem: 4504

(binhthuan.gov.vn) Để tìm hiểu sự khác nhau giữa tư duy sản xuất nông nghiệp và tư duy kinh tế nông nghiệp như thế nào? Phóng viên Cổng thông tin điện tử tỉnh đã phỏng vấn Thạc Sỹ Ngô Văn Toại – Trưởng khoa Phát triển nông thôn, Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II về vấn đề này.

Xin ông cho biết tư duy sản xuất nông nghiệp là gì?

Tư duy sản xuất nông nghiệp là quá trình nhận thức các quy luật khách quan về sinh học của cây trồng, vật nuôi và quy luật chuyển hóa của nguyên vật liệu sản xuất, sử dụng tài nguyên vật liệu để gia tăng năng suất và sản lượng sản phẩm.

Tư duy sản xuất nông nghiệp có những hạn chế là người sản xuất không chú trọng đến nhu cầu thị trường, chỉ sản xuất thứ mình có chứ không sản xuất thứ thị trường cần, do đó hàng hóa không thể bán được giá cao. Sẵn sàng sử dụng các loại giống, phân bón, các loại thuốc để gia tăng năng suất mà không chú trọng đến chất lượng và sự an toàn của sản phẩm. Không hoặc ít tìm cách gia tăng giá trị, sau thu hoạch thường bán sản phẩm thô nên không có lợi nhuận cao. Khi thu hoạch thường phó mặc cho người mua và không chú ý đến xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc.

Theo ông, vì sao cần phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp?

Cần phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp nhằm khắc phục những hạn chế của tư duy sản xuất nông nghiệp như người sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm nhưng không có hoặc có ít lợi nhuận; lạm dụng tài nguyên, nguyên vật liệu đầu vào gây ô nhiễm môi trường. Không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm cho thị trường trong nước và quốc tế; không sản xuất được với số lượng lớn, đồng nhất về chất lượng hình dạng, kích thước, màu sắc; giá cả hợp lý. Tránh lạm dụng tài nguyên dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên; không lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu và hóa chất gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường; đồng thời, phải làm giàu tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Tư duy kinh tế nông nghiệp là gì? Người sản xuất theo tư duy kinh tế nông nghiệp cần làm gì thưa ông?

Tư duy kinh tế nông nghiệp là tư duy sử dụng hiệu quả nguồn lực hữu hạn trong nông nghiệp để sản xuất sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường và đạt được lợi nhuận cao nhất có thể.

Để sản xuất theo tư duy kinh tế nông nghiệp người sản xuất phải căn cứ nhu cầu của thị trường để xác định chủng loại, tiêu chuẩn sản phẩm cần sản xuất. Theo cách nghĩ này, người sản xuất phải biết người tiêu dùng cần loại sản phẩm hàng hóa nào? Tiêu chuẩn gì? Từ đó, xác định kết quả đầu ra với chủng loại, tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng.

Quá trình sản xuất phải đảm bảo chất lượng để đạt tiêu chuẩn, yêu cầu của khách hàng. Theo đó, người sản xuất phải phân tích so sánh những sản phẩm hàng hóa mình đã sản xuất được so với nhu cầu người tiêu dùng để tìm cách đáp ứng từ việc thay đổi quy trình sản xuất, thay đổi nguyên liệu đầu vào, thay đổi giống cây trồng, vật nuôi.

Trong quá trình sản xuất luôn tìm cách giảm chi phí hợp lý. Với cách suy nghĩ này, người sản xuất sẽ giảm tất cả những gì có thể nếu không ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Bắt đầu từ giá nguyên liệu, cải tiến quy trình để giảm chi phí sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển.

Sau khi thu hoạch người sản xuất sẽ không bán sản phẩm tại vườn, ruộng, chuồng mà sẽ tìm cách gia tăng giá trị, đơn giản nhất là phân loại làm sạch, đóng gói thiết kế nhãn hiệu hàng hóa, sau đó tiến hành sơ chế, chế biến và chế biến sâu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc…

Chủ động tiêu thụ sản phẩm với giá hợp lý, cụ thể là người sản xuất mang sản phẩm hàng hóa đến với người tiêu dùng chứ không phải đề người tiêu dùng tìm đến mua sản phẩm của mình. Chủ động tìm kiếm khách hàng bằng nhiều kênh bán hàng hoặc liên kết tiêu thụ sẽ bán được sản phẩm với giá hợp lý từ đó nâng cao doanh thu và gia tăng lợi nhuận.

Người sản xuất phải xem khả năng canh tranh với đối thủ cạnh tranh. Theo cách nghĩ này, người sản xuất muốn bán được hàng thì phải xem xét trên thị trường đã có ai cùng bán sản phẩm cùng loại, cùng thời điểm với mình và phân khúc khách hành hay không? Đặc trưng sản phẩm của họ thế nào? Cách họ bán hàng, thanh toán và hậu mãi? Từ đó, người sản xuất phải tìm cách cạnh tranh với đối thủ hoặc tìm thị trường ngách để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của mình.

Mục tiêu mong muốn cuối cùng đạt được là lợi nhuận cao nhất có thể. Theo đó, người sản xuất phải tìm cách hạ giá thành, tăng năng suất đúng theo khả năng sinh học bình thường của cây trồng, vật nuôi và tăng giá bán hợp lý.

Nguyễn Phương

 

 

 

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1