(binhthuan.gov.vn) Bộ Giao thông vận tải đã khẳng định,
đến 30/4/2023, phải khánh thành đưa vào khai thác 02 tuyến cao tốc Dầu Giây -
Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo. 02 tuyến cao tốc nêu trên không thể bị
chậm trễ thêm một lần nữa.
Vừa qua,
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã có buổi kiểm tra thực tế 02
tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo. Tại buổi kiểm
tra, Bộ trưởng đã khẳng định: “Hai dự án này đã lùi một lần rồi nên phải kiên
quyết hoàn thành. Tôi không có quan điểm cho dự án này lùi bất cứ một ngày nào,
chỉ chậm nhất ngày 30/4 phải xong. Một lần nữa, tôi nhắc lại 02 dự án cao tốc
này phải bảo đảm khánh thành đúng thời điểm ngày 30/4 như đã cam kết với Chính
phủ, với Thủ tướng Chính phủ”.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định không lùi tiến độ 02 tuyến cao tốc Dầu
Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo
Ghi nhận
thực tế trên 02 tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo với
chiều dài gần 200km, mặt đường đã được trải thảm bê tông nhựa láng mịn, có dải
phân cách ở giữa. Dọc tuyến vẫn còn nhiều hạng mục đang được khẩn trương thực
hiện. Đội ngũ công nhân đang tất bật lắp đặt dải phân cách, lan cao bảo vệ. Tại
một số đoạn, các nhà thầu đang tập trung thiết bị để thảm bê tông nhựa lớp cuối.
Theo ông
Lê Quyết Tiến, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng: “Tiến độ của hai dự
án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo hiện đang được kiểm
soát chặt chẽ từng ngày. Nếu đến ngày 30/4, gói thầu nào chưa hoàn thành, Bộ
Giao thông vận tải sẽ xem xét lại hợp đồng với nhà thầu chậm tiến độ để có những
biện pháp xử lý theo quy định”.
Theo bộ Bộ
Giao thông vận tải, đây là dự án trọng điểm của quốc gia, đã được Quốc hội,
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng
vào ngày 30/4/2023 và được áp dụng các cơ chế đặc thù. Bộ Giao thông vận tải đang
chỉ đạo các ban quản lý dự án, các nhà thầu tập trung, quyết liệt tổ chức
thi công đưa dự án vào khai thác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Để đảm bảo
mục tiêu trên, cần phải có vật liệu đất đắp để các nhà thầu thi công ngay trong
tháng 3/2023. Việc hoàn thành đồng bộ và đưa vào khai thác dự án có ý nghĩa hết
sức quan trọng đối với việc phát triển kinh tế các địa phương khu vực tuyến đi
qua, giảm tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, phát huy ngay hiệu quả dự
án.
Tuy
nhiên, tại cả 02 dự án Vĩnh Hảo - Phan thiết và Dầu Giây - Phan Thiết đang gặp
nhiều khó khăn do thiếu hụt khối lượng đất đắp để hoàn thành hệ thống đường
gom. Đây chính là điểm nghẽn lớn nhất trong việc đưa 02 dự án nêu trên về đích
đúng hạn.
Dự án thành phần cao tốc đoạn
Vĩnh Hảo - Phan Thiết
Theo số
liệu tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam
phía Đông đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận diễn ra vào chiều 15/3/2023, Dự án
thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây lũy kế sản lượng đến nay
đạt hơn 85,99% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. Dự án thành phần
cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, lũy kế sản lượng đến nay đạt 75,61%
giá trị hợp đồng, chậm 8,17% so tiến độ.
Ông Lê
Quyết Tiến, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, cho biết: “Điểm khó
nhất hiện nay là nguồn vật liệu đất đắp để thi công đường gom, đường đầu cầu. Cụ
thể tuyến Dầu Giây - Phan Thiết đang thiếu 600.000m3; tuyến Phan Thiết
- Vĩnh Hảo đang thiếu khoảng 900.000m3. Nếu vấn đề này không được giải
quyết sớm, sẽ gây khó khăn cho việc hoàn thành toàn bộ dự án theo kế hoạch”
Nói thêm
về một số vướng mắc liên quan đến tuyến Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Ban Quản lý dự
án 7, cho biết: “Hiện vẫn còn một số vị trí vướng đường điện. Về nguồn đất đắp,
tuyến được cấp 06 mỏ đất nhưng đến nay đã hết hạn. Nếu cấp theo các thủ tục hiện
nay thì không thể kịp với tiến độ dự án, bởi chỉ còn 45 ngày”.
Trước đó,
triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về cấp phép các mỏ vật liệu xây dựng
thông thường cho nhà thầu để khai thác cung cấp cho dự án cao tốc Phan Thiết -
Vĩnh Hảo, UBND tỉnh Bình Thuận đã thực hiện cấp phép khai thác 06 mỏ đất cho
các nhà thầu thi công với thời hạn khai thác đến ngày 10/12/2022 theo tiến độ
ban đầu của các hợp đồng xây lắp đã ký. Tuy nhiên, do các nguyên nhân khách
quan, dẫn đến phải gia hạn thời gian thực hiện các gói thầu đến ngày 30/4/2023
và cần phải gia hạn thời gian khai thác các mỏ đất. Mặt khác, các nhà thầu thi
công không phải là đơn vị chuyên nghiệp thực hiện công tác khai thác khoáng sản,
chưa am hiểu chi tiết về trình tự thủ tục gia hạn và chưa lường trước các yếu tố
về thời tiết nên hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép nộp chậm hơn so với thời gian
quy định tại Nghị định số 158/2016 của Chính phủ, dẫn đến UBND tỉnh Bình Thuận
chưa thực hiện gia hạn.
Nhằm tháo
gỡ khó khăn liên quan đến 06 mỏ đất đắp đặc thù nêu trên, tại Nghị quyết phiên
họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2023, Chính phủ đã đồng ý cho phép UBND tỉnh
Bình Thuận xem xét, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản cho 06 mỏ đất đắp đặc
thù mà không phải lập lại dự án đầu tư và đánh giá tác động môi trường.
Mặc dù vậy,
qua triển khai thực hiện cho thấy, Luật khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi
hành Luật khoáng sản không quy định việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản
và thành phần hồ sơ việc cấp lại. Nếu thực hiện thủ tục cấp mới giấy phép khai
thác khoáng sản, sẽ phải mất ít nhất 06 tháng; chắc chắn sẽ không kịp cung
cấp nguyên vật liệu cho dự án hoàn thành theo đúng tiến độ. Chính
vì thế, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Bộ giao thông vận tải kiến nghị
Chính phủ điều chỉnh nghị quyết này theo hướng thực hiện thủ tục gia hạn
giấy phép khai thác các mỏ khoáng sản.
Để sớm góp
sức đưa 02 tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo đi vào
vận hành, không bị trễ hẹn thêm một lần nữa, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ quan tâm,
hỗ trợ các ban quản lý dự án xử lý vướng mắc trong quá trình triển khai 02 tuyến
cao tốc nêu trên. Đồng thời, nhanh chóng di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật
ảnh hưởng đến 02 tuyến cao tốc.
Đối với
vướng mắc liên quan đến đất đắp, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải
báo cáo với Chính phủ điều chỉnh nội dung liên quan đến Nghị quyết số 31/NQ-CP
của Chính phủ (Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2023). Trên cơ
sở điều chỉnh, 06 mỏ đất đắp đặc thù sẽ đi vào hoạt động trong thời gian sớm
nhất theo đúng quy định pháp luật để phục vụ dự án./.
Hữu Tri