Trong năm 2022, Bình Thuận ghi nhận 03 ca tử vong vì bệnh dại
Lượt xem: 6225

(binhthuan.gov.vn) Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Bình Thuận ghi nhận thêm trường hợp tử vong nghi do bệnh dại vào tuần thứ 4 của tháng 12/2022. Đây cũng là ca tử vong thứ 03 vì bệnh dại trong năm 2022 tại địa phương.

Cụ thể, trường hợp nữ bệnh nhân (49 tuổi) ở Hàm Cần (Hàm Thuận Nam) bị chó nhà hàng xóm cắn cách đây 03 tháng với 01 vết nông trên ngón tay; đã được xử lý vết thương bằng dung dịch sát khuẩn. Sau khi bị cắn, bệnh nhân không tiêm vắc xin phòng dại, không tiêm huyết thanh kháng dại và không theo dõi con chó còn sống hay chết.

Đến 20/12/2022, bệnh nhân có dấu hiệu đau tê cánh tay, sốt nhẹ, uống thuốc nhưng không giảm. Tiếp đó, bệnh nhân có dấu hiệu bị kích động, co rút ngón tay, sợ nước. Ngày 21/12/2022, bệnh nhân được đưa đến Phòng khám Đa khoa khu vực Hàm Cần và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận với các triệu chứng như sợ nước, gió, ánh sáng, tiếng động, la hét, tăng tiết dãi… Bác sĩ chẩn đoán loạn thần cấp, theo dõi dại. Sau đó, gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà và bệnh nhân tử vong vào ngày 22/12/2022.

Qua điều tra dịch tễ, con chó cắn bệnh nhân không rõ còn sống hay chết, không rõ con vật được tiêm ngừa bệnh dại hay không. Khu vực bệnh nhân sinh sống chưa ghi nhận thêm bất cứ trường hợp chó, mèo lên cơn dại.

Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm vi rút dại. Cho đến nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Bệnh dại nguy hiểm nhưng đã có vắc xin phòng ngừa và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh dại.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo để tránh bị cào, cắn.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm, cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đến ngay Trung tâm Y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh ./.

Hữu Tri

 

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1