Hội nghị triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023

(binhthuan.gov.vn)
Chiều ngày 26/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì Hội nghị triển
khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023. Tham dự Hội
nghị có các Thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh;
lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố qua hệ thống truyền hình trực tuyến.
Theo báo cáo của Ban
Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong năm 2022 tỉnh
Bình Thuận đã xảy ra các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm như dông sét;
mưa lớn cục bộ; nắng nóng; gió mạnh, sóng lớn trên biển và sạt lở bờ biển… Hậu
quả do thiên tai gây ra đã làm 63 người chết; 222 căn nhà bị hư hỏng, tốc mái;
hơn 4.480 ha diện tích nông nghiệp bị thiệt hại; 44 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng;
sập, hư hỏng 07 cầu, cống giao thông. Tổng thiệt hại toàn tỉnh trong năm 2022
trên 33 tỷ đồng. Trên biển đã xảy ra 72 vụ tai nạn, sự cố làm 59 người chết; 11
người mất tích; 16 tàu cá bị chìm; 09 tàu cá bị sự cố; 01 tàu cá mất tích.

Sạt lở bờ biển tại
khu vực xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết
Trong 5 tháng đầu năm
2023, thiên tai đã làm 28 người bị thương; 48 căn nhà bị sập, tốc mái, hư hỏng;
01 chiếc thuyền bị chìm, hư hỏng; 207 ha đất nông nghiệp bị thiệt hại. Tổng giá
trị thiệt hại toàn tỉnh khoảng 65 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trên biển còn xảy ra 42
vụ tai nạn, sự cố, làm chết 10 người, mất tích 12 người, bị thương 05 người;
chìm 06 tàu cá; 02 tàu vận tải bị lật nghiêng chìm, 02 tàu vận tải bị sự cố.
Theo dự báo của Trung
tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình thời tiết, thủy văn năm 2023 ở nước
ta nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng sẽ có những diễn biến phức tạp, khó
lường do tác động cực đoan của biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Nguyễn Hồng Hải phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại
Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải yêu cầu UBND các huyện, thị
xã, thành phố khẩn trương kiện toàn và củng cố tổ chức Ban Chỉ huy Phòng, chống
thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành
viên gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; bố trí nguồn lực, đầu tư trang thiết
bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm
cứu nạn. Chỉ đạo tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai
cấp huyện, cấp xã theo quy định; rà soát phương án ứng phó với thiên tai đảm bảo
phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể tại địa phương. Tổ chức kiểm tra, rà
soát các vùng trọng điểm xung yếu, các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, sạt
lở cát tràn, sạt lở bờ biển, vùng mưa to gây lũ, ngập lụt, vùng trũng, vùng hạ
du của các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện khi phải xả lũ để xây dựng kế hoạch,
bố trí nguồn lực, điều chỉnh phương án ứng phó sự cố, phương án di dời dân hợp
lý theo phương châm “4 tại chỗ”.
Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, ngành, địa phương điều tiết vận hành các
hồ chứa hợp lý, cam kết cung cấp nước đầy đủ cho sản xuất nông nghiệp năm 2023.
Đồng thời, chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn khai thác công trình thủy lợi tỉnh
và các địa phương đẩy nhanh tiến độ xử lý các công trình, hồ chứa nước xuống cấp,
nguy cơ xảy ra sự cố; cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin liên quan đến vận
hành hồ chứa và thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước
và vùng hạ du khi tiến hành xả lũ.
Bộ Chỉ huy Bộ đội
Biên phòng tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý tốt các
tàu thuyền hoạt động, đánh bắt trên biển; kiểm tra, xử phạt thật nghiêm các trường
hợp tàu thuyền ra biển không đủ trang thiết bị để kéo giảm tối đa tai nạn, sự cố
về người và tàu thuyền trên biển. Nắm chắc thông tin liên lạc, số lao động trên
tàu, khu vực hoạt động để kiểm đếm, quản lý hiệu quả, phục vụ tốt công tác chỉ
huy, ứng cứu, kêu gọi vào bờ khi có thiên tai, sự cố trên biển…
Đài Khí tượng thủy
văn tỉnh nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo kịp thời, chính
xác phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó thiên tai, xử lý sự cố hiệu quả trên địa
bàn.
Nguyễn Phương