Học sinh THPT Bùi Thị Xuân
trải nghiệm môn học lịch sử trực quan
---o0o---
Nhằm giúp các em học
sinh trường THPT Bùi Thị Xuân-Tp. Phan Thiết yêu thích môn học lịch sử thông
qua những bài học trực quan, sinh động; giáo viên Nguyễn Thị Minh Thuỳ, sinh
năm 1981-hiện giảng dạy môn lịch sử của trường đã có ý tưởng thành lập phòng
trưng bày tư liệu lịch sử nhằm đưa vào phục vụ tốt hơn việc giảng dạy và học tập.
Ý tưởng này đã được BGH nhà trường, tổ lịch sử và các em học sinh của trường
hào hứng đón nhận.
Sau khi tốt nghiệp
trường Đại học Đà Lạt chuyên ngành lịch sử năm 2003, cô giáo Thuỳ công tác tại
trường THPT Nguyễn Văn Trỗi-Huyện Tánh Linh. Năm 2020, cô được điều chuyển công
tác về dạy tại trường THPT Bùi Thị Xuân-TP.Phan Thiết. Ban đầu khi về trường, học
sinh theo học môn lịch sử chủ yếu học lý thuyết dưới sự truyền đạt kiến thức của
các giáo viên trong trường. Trong khi theo nhận xét của các em học sinh-môn học
này khô khan, chỉ nghe lý thuyết suôn thì khó cảm nhận được dòng lịch sử của nước
nhà. Hơn nữa, học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân-do xa trung tâm Tp. Phan Thiết
nên ít có dịp tham gia các lớp học ngoại khoá ở Bảo tàng tỉnh để được tận mắt
chứng kiến các hiện vật, sự kiện trong lịch sử một cách trực quan, vì vậy rất
thiệt thòi cho các em. “Ngay khi mới về trường, tôi đã định hình ý tưởng, sau
đó xin ý kiến và được BGH nhà trường cũng như tổ lịch sử đồng tình, tạo điều kiện
hết sức để phòng trưng bày tư liệu lịch
sử được ra mắt vào những ngày đầu tháng 11 vừa qua. Đây là món quà tôi muốn
dành tặng các em học sinh của trường nhằm giúp các em thích thú với môn học lịch
sử nhiều hơn”, cô Nguyễn Thị Minh Thuỳ-giáo viên trường THPT Bùi Thị Xuân cho
biêt thêm.
Để Phòng trưng bày tư
liệu lịch sử của trường đáp ứng được yêu cầu đề ra, cô Thuỳ và 42 thành viên trong
TEAM yêu thích lịch sử ở 3 khối: 10,11 và 12 đã tranh thủ thời gian sau giờ học,
bất kể buổi trưa hay buổi tối để bài trí các hiện vật đúng theo sự kiện dòng lịch
sử từ nguyên thuỷ đến năm 1975 chân thật và rõ nét nhất. Qua những bức tranh,
mô hình, sơ đồ và hơn 145 hiện vật là những chiếc rìu đá, mũi tên đồng thời
Đông Sơn; những chiếc nồi đồng, lục lạc đồng thế kỷ XVIII vv… đã được trưng bày
sống động, thu hút học sinh khám phá và học hỏi. “Mặc dù mới đi vào hoạt động, thế
nhưng cứ đến môn học lịch sử, thay vì ngồi tại lớp học lý thuyết một cách thụ động
như trước, thì nay em được lên phòng trưng bày tư liệu lịch sử để học trực quan
nên em rất thích thú và dễ dàng hiểu hơn về lịch sử nước nhà qua các thời kỳ; từ
đó thêm yêu thích môn học này hơn và cố gắng học tập tốt hơn”, Em Đặng Nhật
Duy-học sinh lớp 11a3-trường THPT Bùi Thị Xuân, chia sẻ.

Ông Phan Đoàn
Thái-Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo Bình Thuận cùng một số lãnh đạo trường
THPT trong tỉnh tham quan phòng trưng bày.
Theo cô giáo Nguyễn
Thị Minh Thuỳ, góp công lớn để phòng trưng bày thêm sinh động và chân thật, đó
là nhờ nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn đã hiến tặng 145 hiện vật từ thời nguyên thuỷ
đến năm 1975. Anh Ẩn, cho biết: “10 năm qua, tôi đã hiến tặng cổ vật cho 50 đơn
vị trong cả nước, hơn 50.000 hiện vật; trong đó ngoài các bảo tàng ở miền
Trung, miền Bắc và Tây Nguyên, thì các trường Đại học: Khoa học xã hội và nhân
văn Tp.HCM và Hà Nội, Đại học Văn Hoá cũng được tôi hiến tặng. Và gần đây, khi
được cô Thuỳ-giáo viên trường THPT Bùi Thị Xuân đưa ra ý tưởng mong muốn được
thành lập phòng trưng bày tư liệu lịch sử, tôi đã vui vẻ hiến tặng hiện vật để
giúp các em học sinh của trường hiểu thêm về lịch sử nước nhà. Đây là trường
THPT đầu tiên trong tỉnh được tôi hiến tặng hiện vật”.
Môn lịch sử hiện
hành vẫn còn nặng về kiến thức, khô khan, và không thu hút học sinh hứng thú
tham gia học tập; vì thế với ý tưởng thành lập phòng trưng bày tư liệu lịch sử của
cô Nguyễn Thị Minh Thuỳ sẽ giúp các em học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân hứng
thú hơn với môn học lịch sử trong thời gian tới.
Xuân Trang